Theo ông Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch hội đồng quản trị PDR, chủ trương của công ty trong năm 2012 vẫn là câu chuyện tồn tại như thế nào. Và rút kinh nghiệm từ những khó khăn mà công ty đã gặp phải trong năm 2011, công ty nhận thấy rằng nguồn thu bất động sản không phải luôn ổn định.
Đi làm nông nghiệp
Công ty Phát Đạt chuyển hướng kinh doanh. |
Chính vì vậy, PDR đang chuẩn bị để tham gia lĩnh vực nông nghiệp và trồng cao su, với quan điểm là tự làm và trồng trọt tất cả sản phẩm nào có thể đem lại giá trị thu hoạch tốt trong ngắn hạn. Với cao su, dĩ nhiên không thể thu hoạch được ngay, nhưng sẽ mang lại nguồn thu ổn định trong tương lai. Ông Đạt kỳ vọng vào hướng đi mới của công ty mình.
Ngoài ra, để giảm bớt những áp lực về khó khăn tài chính, doanh nghiệp này đã phải chuyển nhượng 95,24% vốn điều lệ tại công ty con (công ty CP khu du lịch khách sạn Phát Đạt Quảng Ngãi) cho hai cổ đông khác. Dưới cái nhìn của các chuyên gia tài chính, đây có thể xem là việc tái cấu trúc nhằm dồn nguồn lực tập trung vào lĩnh vực chính, và quan trọng hơn hết là thu về lượng tiền mặt để trang trải chi phí hoạt động. Đồng thời, các chuyên gia về chứng khoán cũng cho rằng đây là thủ thuật để giảm trừ khoản phải thu nội bộ của công ty.
Theo báo cáo quý 4/2011 của Savills Việt Nam, thị trường TP.HCM chỉ có khoảng 1.000 căn hộ được hấp thụ trong quý này, giảm 25% so với quý trước và giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Giá giao dịch trung bình của toàn thị trường là 18,6 triệu đồng/m2, giảm 12% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Toàn thị trường chỉ có bốn dự án mới với hơn 1.300 căn tham gia vào thị trường sơ cấp. Nguồn cung sơ cấp giảm nhẹ 1% so với quý trước, do các dự án mới của quý này đều có quy mô nhỏ. |
Đến làm chợ tạm
Theo như thông tin được công ty Đầu tư bất động sản Việt Nam vừa công bố thì dự án Saigon South Center của công ty này tại quận 7, TP.HCM sẽ được chuyển từ một dự án khu trung tâm thương mại và chung cư trở thành một khu trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Tuy nhiên, đó là về lâu về dài, còn trước mắt, trong lúc chờ được duyệt, công ty này sẽ sử dụng 6.000m2 đất ở đây để làm chợ tạm. Tất nhiên ai cũng biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn khó huy động, thị trường chung cư đóng băng chưa biết ngày nào sẽ tan, các chủ đầu tư buộc phải tận dụng hết chức năng sử dụng của tài sản của mình theo kiểu “kiếm được đồng nào hay đồng nấy”. Khi được hỏi về kế hoạch xây dựng chợ tạm như thế nào, bản thân vị chủ tịch hội đồng quản trị của công ty luôn tránh né, và nói rằng: “Tôi không muốn nói về tình hình công ty vào lúc này vì khá mệt mỏi. Nhưng sử dụng tài sản mà mình đang có để tạo ra tính thanh khoản, giải quyết khó khăn về dòng tiền trong bối cảnh hiện nay thì tốt chứ sao?”
Trước đó, trên địa bàn TP.HCM cũng có một số chủ đầu tư cho thuê đất dự án của mình để tổ chức hội chợ trong các dịp lễ. Đơn cử như đất dự án của doanh nghiệp địa ốc T.L tại khu vực Trung Sơn, Bình Chánh cũng đã được đem cho thuê làm hội chợ trong những ngày tết dương lịch. Giám đốc của một công ty địa ốc ở TP.HCM tâm sự về tình hình dự án trong những ngày cuối năm cũng tiết lộ, các dự án mà công ty ông triển khai tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương vì chưa có vốn triển khai nên cũng được nhiều tư nhân hỏi thuê đất để làm trang trại nuôi heo rừng, và ông cũng đang suy nghĩ về vấn đề này.
Các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu sử dụng vốn vay để đầu tư dự án. Chính vì vậy trong bối cảnh đầu ra bị thắt chặt, lượng hàng tồn kho ngày một tăng thực sự là một nỗi lo. Các chuyên gia về tài chính cũng khá lo ngại với tình hình thời gian tới của các doanh nghiệp bất động sản, khi mà đa số các khoản vay ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản đều cầm cố quyền sử dụng đất và giá trị tài sản hình thành trong tương lai. Họ có nguy cơ mất tài sản do bị ngân hàng xiết nợ.