Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị cho gia hạn nợ, đảo nợ đến hạn, kéo dài thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đến 31-12-2013.

Hôm nay (11-4), Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xung quanh nội dung tìm hiểu và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) về vốn, thuế, lãi suất, tiền sử dụng đất, thanh khoản thị trường…

“Chết” la liệt

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết: Hoạt động của đa số DN BĐS hiện nay cực kỳ khó khăn, “sức khỏe” kém, thậm chí đang “hấp hối”.

Theo ông Châu, thị trường BĐS hiện nay gần như bất động. Các DN BĐS đã nỗ lực tối đa để tự cứu mình với các giải pháp như tái cấu trúc DN; tái cơ cấu đầu tư; đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện công trình, dự án. Đặc biệt, có DN chủ động giảm giá bán căn hộ, thậm chí chấp nhận bán hòa vốn, bán lỗ với nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như giãn ra nhiều đợt thanh toán, hỗ trợ lãi vay và nhiều khuyến mãi đa đạng. Tuy làm hết sức nhưng nguồn lực của các DN BĐS bị sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết đều gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau, càng vay lớn thì nguy cơ vỡ nợ càng cao. Nhiều DN phải tạm ngưng hoạt động, giải thể hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Khó khăn của các DN BĐS còn được thể hiện rõ qua các chỉ số hàng tồn kho, dòng tiền, lãi vay cao… Khảo sát các DN BĐS lớn niêm yết trên hai sàn chứng khoán cho thấy lượng hàng tồn kho trong báo cáo tài chính quá lớn, có DN do đầu ra không có nên kinh doanh thua lỗ, thậm chí không trả cổ tức cho cổ đông…

Với tình hình trên, không chỉ các chủ đầu tư mà các thành phần khác liên quan thị trường BĐS cũng điêu đứng. Hàng loạt các sàn môi giới BĐS từ sau tết đã buộc lòng phải đóng cửa văn phòng, giải thể, sa thải nhân viên, thậm chí phải chuyển sang kinh doanh dịch vụ giải khát, ăn uống. “DN BĐS đuối sức, một số ngành nghề khác như xi măng, sắt thép, nội thất, người lao động… cũng bị ảnh hưởng nặng nề” - ông Châu cho biết.

Tiếp tục kêu cứu

Liên quan đến buổi làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Châu cho biết cuộc họp nhằm tìm hiểu khó khăn về vốn của thị trường BĐS, DN vay vốn từ khu vực ngân hàng, mức độ phụ thuộc vào tín dụng… Bên cạnh đó, cuộc họp cũng sẽ mổ xẻ nguyên nhân trầm lắng của thị trường, chính sách quản lý BĐS, chính sách thắt chặt tín dụng, việc dư thừa nguồn cung, giá sản phẩm quá cao so với khả năng chi trả của người mua…

Dịp này, HoREA sẽ tiếp tục đề nghị một số giải pháp như đã từng kiến nghị gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo đó, HoREA kiến nghị cần thực hiện ngay chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cho vay đối với DN và có lộ trình cụ thể đưa lãi suất cho vay trở về mức 11%-12%/năm. Hiện tại, DN BĐS rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 20%/năm. “Tôi thấy lãi suất huy động đã giảm khá lâu nhưng các ngân hàng chưa giảm lãi cho vay. Với tình hình này, nếu tiếp tục kéo dài lãi suất cao thì không DN nào chịu đựng nổi” - ông Châu nói. Trong kiến nghị về lãi vay, HoREA cũng đề xuất cho DN được gia hạn nợ hoặc đảo nợ vay đến hạn để cầm cự.

Kế đến, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cho giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 18%-20% và cho giãn nộp thuế đến hết năm sau. DN BĐS cần được phân bổ hạch toán chi phí quảng bá, marketing trong thời hạn năm năm kể từ ngày dự án đủ điều kiện huy động vốn. (Hiện nay chi phí này hạch toán ngay trong năm tài chính.)

Ngoài ra, HoREA đề nghị cho DN BĐS được vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển các dự án BĐS, nhất là các DN đã có quỹ đất và đang triển khai các dự án căn hộ cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp hoặc phục vụ các chương trình nhà ở xã hội.

Liên quan đến gỡ vướng từ chính sách, HoREA đề nghị điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 69, Nghị định 120 về thu tiền sử dụng đất nhằm hạ giá đầu vào cho các dự án BĐS, gián tiếp hạ mặt bằng giá nhà đất. Lý do, việc thu tiền sử dụng đất theo các nghị định này thực ra là “thu hai lần” vì DN vừa bồi thường giải phóng mặt bằng, vừa phải đóng tiền sử dụng đất.

Một vấn đề quan trọng khác, HoREA cũng đề xuất cho DN phát triển căn hộ diện tích nhỏ từ 20 m2 đến 70 m2, gắn với quy hoạch phát triển từng địa phương. Lý lẽ HoREA đưa ra là nước ta còn nghèo, nhu cầu nhà ở người dân lớn.

Ưu đãi lãi suất cho người mua nhà

Trong các nội dung kiến nghị, HoREA đề nghị cho người tiêu dùng vay lãi suất ưu đãi để mua căn hộ đầu tiên (hoặc đang có nhà ở nhưng diện tích chật hẹp dưới 5 m2/người). Đây là biện pháp kích cầu trực tiếp đến tay người tiêu dùng và góp phần làm hồi phục thị trường BĐS.

Giá BĐS ở Việt Nam quá cao, vì sao?

Theo ông Lê Hoàng Châu, có năm nguyên nhân khiến giá BĐS ở Việt Nam đắt hơn các nước trong khu vực. Đó là: chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao (mua đất theo cơ chế thị trường thiếu sự điều tiết của Nhà nước); chi phí nộp tiền sử dụng đất cao (Nghị định 69); chi phí vốn cao (chủ yếu do lãi vay cao trên 20%/năm); chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công (do công tác thị trường và chính sách thuế chưa hợp lý); thủ tục hành chính kéo dài làm tăng chi phí quản lý, mất cơ hội kinh doanh, làm sụt giảm nguồn cung cho thị trường…


Theo PL Tp.HCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.