- Thị trường bất động sản năm qua rơi vào trạng thái nóng lạnh bất thường. Bộ trưởng nói gì về điều này?
- Đúng là năm vừa rồi thị trường bất động sản có những thời điểm phát triển rất nóng, nhưng đó là ảo, không thực. Thị trường phát triển không đúng với khả năng thanh toán của nền kinh tế. Một nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người 1.000 đôla thì không thể nào có thể ứng phó với giá bất động sản cao như nước có thu nhập bình quân mấy chục nghìn đôla được. Đấy cũng là lúc nhìn lại một thị trường non trẻ để thấy rõ chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, trong quản lý, đầu tư cũng như phát triển.
Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề là cần giải quyết tận gốc, tức là doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại. Trước đây, làm ra những sản phẩm phục vụ người có khả năng về kinh tế cao thì nay họ phải cơ cấu lại những sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ để phù hợp với đa số đối tượng. Đầu tư phải phù hợp với nhu cầu xã hội chứ không phải tự phát, phong trào như thời gian qua. Năm 2012, yêu cầu của Chính phủ là các địa phương phải đưa các chỉ tiêu nhà ở xã hội như một pháp lệnh, nhiệm vụ chính trị.
- Ông từng nói, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà xã hội. Kể từ thời gian nhậm chức đến nay, ông đã thực hiện lời hứa đó như thế nào?
- Trong năm 2011 vừa qua, Bộ cùng với các cơ quan của Chính phủ trong ban chỉ đạo chính sách phát triển nhà ở đã đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có chiến lược phát triển nhà ở kể từ khi đất nước giành được độc lập. Chiến lược đã khẳng định rõ quan điểm phát triển nhà ở là điều kiện để phát triển con người và xác định rõ hai loại nhà ở cần được xây dựng, quan tâm và phát triển.
Một loại là nhà ở hàng hóa, phát triển chủ yếu theo cơ
chế thị trường, do thị trường điều tiết để đáp ứng nhu cầu những người
có khả năng thanh toán. Loại thứ hai là nhà xã hội, phi hàng hóa, rất
cần sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước để đáp ứng cho nhu cầu những người
gặp khó khăn về nhà ở. Năm nay, chiến lược nhà ở cũng xác định rõ 8
nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo ở nông thôn và thành thị, người
có công với Nhà nước, sỹ quan, sinh viên…
- Vậy với chiến lược này, khi nào người dân sẽ có nhà để ở?
- Tôi phải nói thế này, phát triển nhà ở là chiến lược dài hạn, không thể trong một sớm, một chiều. Đơn cử xây một ngôi nhà ít nhất cũng mất thời gian vài tháng hay vài năm. Tôi cho rằng, chỉ trong vòng một năm, chạm vào một cái gì đó ngay thì rất khó. Nhưng tôi tin rằng, tương lai thì người dân có quyền hy vọng vào sự phát triển nhà ở xã hội mà chiến lược đã đề ra.
Nhà đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài việc phát triển nhà ở thương mại phải chú trọng cả nhà ở xã hội. Có thể bắt buộc nhưng ko dùng mệnh lệnh hành chính mà dựa trên cơ sở quan hệ kinh tế. Tức là nếu anh muốn làm nhà ở thương mại thì phải xây nhà ở xã hội làm sao để đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lãi mà vẫn có trách nhiệm với Nhà nước.
- Địa ốc giảm giá là cơ hội cho những người có nhu cầu thực mua nhà, nhưng cũng khiến doanh nghiệp có nguy cơ gặp khó. Vậy Bộ Xây dựng sẽ giải quyết mâu thuẫn này thế nào?
- Chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là phải phát triển đồng bộ tất cả, trong đó có bất động sản. Thị trường nào cũng phải phát triển lành mạnh, vì có như vậy, nền kinh tế mới ổn định. Trong thời gian qua, địa ốc phát triển có thời kỳ tốt, nhưng năm 2011 thì khó khăn, trầm lắng và thiếu lành mạnh, do đó cần có những giải pháp khắc phục.
Nói đến thị trường bất động sản phải đề cập đến người
mua, người bán và sự quản lý của Nhà nước. Rõ ràng thị trường chỉ có
thể phát triển lành mạnh khi được người tiêu dùng chấp nhận và như vậy,
người sản xuất cũng như thị trường bất động sản phải hướng vào người
dân, hướng vào người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm để
phục vụ. Chúng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư
và người dân, đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, đặc biệt phải quan tâm
tới lợi ích của dân.
- Bộ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng bất động sản trong năm 2011?
- Năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như khó khăn do nội tại nên Chính phủ vẫn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trương hợp lý. Từ đó giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng như cắt giảm đầu tư công để tái cấu trúc nền kinh tế tạo mô hình mới đầu tư theo chiều sâu, thay vì theo chiều rộng.
Như vậy, nguồn vốn để đầu tư cho thị trường nhà ở và bất động sản chắc chắn sẽ không tăng nhiều. Với tình hình lãi suất còn cao như hiện nay cùng với những khó khăn của nền kinh tế thì bất động sản còn nhiều khó khăn.
Tôi mong muốn nhiều nhất là năm 2012 và các năm tới phát triển mạnh nhà ở xã hội. Bộ và những người làm xây dựng rất mong muốn chiến lược phát triển nhà ở sẽ được sự vào cuộc của chính quyền, doanhh nghiệp, người dân. Việc phát triển nhà ở đã khó, nay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo còn khó hơn. Bộ Xây dựng sẽ làm hết sức mình, hết trách nhiệm được giao, xây dựng các chính sách để nhà ở xã hội được phát triển ngày càng nhiều hơn và đáp ứng tốt hơn những mong muốn của người dân.