Những căn nhà xây thô nằm phơi mưa nắng tại KĐTM Đông Sơn.
Dạo một vòng quanh các KĐTM, điều dễ nhận thấy nhất là có quá nửa các KĐTM đều trong tình trạng thưa thớt dân cư, số nhà liền kề, biệt thự đã hoàn chỉnh có người ở chỉ lác đác. Nhiều ngôi nhà dù đã hoàn thiện nhưng vẫn cửa đóng then cài, không ít những ngôi nhà liền kề mới chỉ xong phần xây thô, tường nhà rêu bám xanh rì, loang lổ nấm mốc, rồi những bãi đất trống đã được phân lô để mặc cho cỏ mọc… Đáng chú ý hơn, hầu như tất cả các KĐTM này đều chung tình trạng thiếu hoặc dang dở về hạ tầng như chợ, trường học, bãi đỗ xe, mật độ cây xanh, sân chơi…
Trong số đó, được xây dựng và đi vào vận hành sớm nhất (khởi công năm 2004), KĐTM Đông Phát, thuộc P.Đông Vệ, được quy hoạch trên mặt bằng 16ha, có thể được coi như là một KĐTM tương đối hoàn chỉnh với cụm công trình nhà văn hóa, trường học, sân chơi thể thao, đất trồng cây xanh… Đến nay KĐTM này vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Thêm nữa, dù đã qua gần 7 năm tồn tại, đến nay tại đây vẫn chưa có đường đi chính thức, mặc dù cây cầu kết nối KĐTM với hệ thống giao thông bên ngoài đã được xây từ 4 năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo chủ đầu tư là do không giải phóng được mặt bằng.
KĐTM Bình Minh ở phía bắc đại lộ Lê Lợi, có diện tích 47ha, chủ đầu tư là Cty TNHH Xây dựng và sản xuất VLXD Bình Minh, được triển khai xây dựng năm 2004. Một trong những dự án được thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, do nằm ở vị trí giáp đại lộ Lê Lợi, lại gần trung tâm TP, có không gian thoáng đãng và được coi là khu đất “vàng”, có giá bán lên tới 14 - 15 triệu đ/m2. KĐTM này được kỳ vọng sẽ là điển hình về sự hiện đại, văn minh bậc nhất TP Thanh Hóa với khu nhà vườn, biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, trường học, khu thể thao, trung tâm thương mại… nhưng qua gần 10 năm, hầu hết các công trình phúc lợi “hiện đại, đồng bộ” như trong thiết kế vẫn chỉ nằm trên giấy, mặc dù đã qua vài lần “điều chỉnh”.
Do buông lỏng quản lý, đến nay các công trình hạ tầng như cống rãnh thoát nước, vỉa hè… đều đã xuống cấp. Đáng buồn hơn, cả một thời gian dài, KĐTM này còn được gọi bằng cái tên “KĐT 3 không” vì không có tổ chức Đảng, không có chính quyền, không có các đoàn thể. Theo các hộ dân sống tại đây cho biết, chủ đầu tư chỉ quan tâm mỗi việc thu tiền điện, nước hàng tháng, ngoài ra tất cả đều thả nổi “sống chết mặc bay”. Thực trạng này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi phải chăng chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc phân lô, bán đất để thu lãi sau khi xây dựng một số hạ tầng thiết yếu bắt buộc phải có?
Hố ga mất nắp không được thay thế tại KĐTM Bình Minh.
Thêm một điển hình nữa về sự dang dở là KĐTM Đông Sơn nằm trên địa phận P.An Hoạch, được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 12ha. KĐTM này được khởi công xây dựng năm 2010, bao gồm các khu nhà biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề và tất nhiên, theo thiết kế thì cũng không thể thiếu các công trình hạ tầng như trường học, chợ, sân chơi, cây xanh… cần và đủ cho cuộc sống của trên một vạn cư dân đô thị. Thế nhưng cho đến nay, hiện diện tại đây chủ yếu vẫn chỉ những dãy nhà liền kề, những căn biệt thự xây thô dang dở chờ khách mua, những bãi đất trống cỏ mọc trở thành nơi chăn thả bò... Số nhà đã hoàn thiện có người ở chỉ chiếm một phần nhỏ. Đáng buồn hơn, do sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng cơi nới, vi phạm không gian công cộng, vỉa hè đã khiến bộ mặt KĐTM trở nên nhếch nhác
Chưa hết, tại hầu hết các KĐTM, người dân còn gặp phải không ít phiền phức bởi tình trạng “nhà không số, phố không tên”, có nơi phải mua điện, nước với giá cao ngất. Thậm chí, nhiều nơi người dân còn phải góp tiền mua dây, bóng điện để có đèn chiếu sáng về đêm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Huân - Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết. Sở dĩ có tình trạng trên là do một số chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận, thực hiện theo “quy trình ngược”, đó là tiến hành phân lô, bán nền trước, đầu tư hạ tầng sau. Thêm vào đó là do gặp phải thời điểm thị trường nhà đất “đóng băng”, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để đầu tư xây dựng hạ tầng. Theo ông Huân, để khắc phục tình trạng này, tới đây Sở sẽ phối hợp với các cấp, ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát từng dự án, qua đó làm rõ trách nhiệm của các nhà đầu tư cũng như cơ quan chuyên môn để có giải pháp xử lý.