02/04/2015 7:58 AM
Là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, "cơn sốt" đã biến nhiều mảnh đất màu mỡ của Đồng Nai trở thành những khu đô thị không người. Còn ở TP Hồ Chí Minh, có không ít nơi đắc địa, "tấc đất tấc vàng", nhưng theo thống kê của cơ quan chức năng, có hàng nghìn héc ta "đất vàng" đang để hoang hóa…

Lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên

Cách đây vài năm, hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Đồng Nai được công bố với nhiều hứa hẹn "có cánh". Một trong số này có dự án đình đám với tổng vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD, quy mô lên tới 1.184ha. Đó là Khu kinh tế mở Long Hưng (xã Long Hưng, TP Biên Hòa) do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư. Dự án được chính thức khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay sau 7 năm, khu đô thị tầm cỡ này vẫn chưa định được hình hài, hiện chỉ có lác đác vài dự án tái định cư được xây dựng. Cách TP Biên Hòa không xa, nằm ven quốc lộ 51, một dự án quy mô khác là Khu đô thị Thung Lũng Xanh (xã An Phước, huyện Long Thành) có quy mô 45ha do Công ty CP Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Hiện tại, dự án đã được đầu tư hạ tầng, nhưng không có người ở.

Dãy nhà bỏ hoang không có người ở.


Về những dự án bất động sản từng "làm mưa, làm gió" tại Đồng Nai, giới đầu tư địa ốc khu vực phía Nam phải nhắc đến dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư được công bố lên tới 6 tỷ USD (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa). Được quy hoạch trên diện tích 942ha, nằm ở vị trí trung tâm của Khu đô thị mới Nhơn Trạch, dự án Đông Sài Gòn từng được ví như "thiên đường nghỉ dưỡng" cuối tuần của người dân TP Hồ Chí Minh. Báo cáo tài chính năm 2012 của Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch cho thấy, tính đến hết năm 2012, số tiền đầu tư vào khu đô thị này đã lên tới 945 tỷ đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù được chính thức khởi công từ tháng 8-2009, đến nay đã gần 6 năm, nhưng hiện dự án Đông Sài Gòn mới được chủ đầu tư khởi công phần hạ tầng khu vực phía bắc đường 25B với diện tích 350ha, các hạng mục chính gần như chưa khởi động. Hiện tổng thể mặt bằng của dự án chỉ là bãi đất trống, chưa có bất kỳ công trình nhà ở nào. Điểm chung của các dự án kể trên là đều sử dụng diện tích đất rất lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp dẫn tới lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2020. Từ đó, Nhơn Trạch được ví như "sân sau" của TP Hồ Chí Minh. Vốn là một vùng đất thuần nông, Nhơn Trạch trở thành điểm đến của hàng loạt "đại dự án" bất động sản. Tại thời điểm thị trường bất động sản đang vào đỉnh cao của "cơn sốt" (năm 2007-2008), số doanh nghiệp hốt bạc khi đầu tư vào Nhơn Trạch lên tới hàng trăm. Gần như dự án nào tung ra thị trường đều được giới đầu cơ mua ngay lập tức. Không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ khi Nhơn Trạch trở thành thành phố đúng nghĩa trong tương lai. Thế nhưng, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng ngay sau đó. Trở lại thành phố mới Nhơn Trạch vào thời điểm này là một đô thị thưa thớt người ở, nếu không nói là đìu hiu, cô quạnh. Đơn cử, tại dự án Khu dân cư Long Thọ - Phước An do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư có quy mô 223ha, dù được khởi công
từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa có người đến xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó là dự án Khu đô thị Detaco do Công ty CP Đệ Tam làm chủ đầu tư, có quy mô 47,3ha, tổng vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Dự án khi hoàn thành sẽ có 36 khối chung cư cao 12-18 tầng, quy mô dân số khoảng 10.500 người. Tuy nhiên, tại thời điểm này, dự án chỉ là bãi đất hoang với tấm bảng giới thiệu dự án đã hoen gỉ.

Không thể để doanh nghiệp "ôm" đất

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 348 khu đất với diện tích 1.170ha đang bị bỏ hoang, 285 khu đất cho thuê trái phép, 65 khu đất cho mượn không đúng quy định. Số liệu từ Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cho biết, các tập đoàn, tổng công ty đang trực tiếp quản lý, sử dụng 410 khu đất với diện tích 6,3 triệu mét vuông, nhưng mới sử dụng đúng mục đích 2,5 triệu mét vuông, chiếm khoảng 39%, số còn lại đang bỏ hoang hoặc cho thuê trái phép.

Một đơn nguyên chung cư tại Nhơn Trạch đang bị “đắp chiếu”.

Đáng lưu ý đây là những khu đất giao cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) triển khai làm dự án theo quy hoạch. Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, qua rà soát tiến độ các dự án tại 155 khu đất của 72 DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa có thể khẳng định, tiến độ thực hiện rất chậm. Sở Tài nguyên - Môi trường đã kiến nghị UBND thành phố hủy bỏ chủ trương chấp thuận đầu tư đối với 47 khu đất với diện tích hơn 484.000m2. Đối với 13 khu đất có diện tích hơn 107.000m2, do các doanh nghiệp chưa có khả năng thực hiện dự án nhưng đang sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, Sở Tài nguyên - Môi trường kiến nghị chấp thuận cho doanh nghiệp thuê ngắn hạn theo hiện trạng để chờ triển khai thực hiện dự án.

Năm 2007, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất các tiêu chí quy hoạch 20 khu đất nằm ở những vị trí đẹp nhất tại khu trung tâm thành phố để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, sau gần chục năm, đến nay chỉ có khoảng một nửa trong số đó đã, đang hoặc chuẩn bị triển khai các dự án. Số còn lại vẫn "bất động" hoặc bế tắc trong kêu gọi các nhà đầu tư. Trong đó, phải kể đến những khu "đất vàng" như khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế; khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Thiệp; khu 6 ô kế chợ Bến Thành; khu đất Nhà máy Bia Sài Gòn...

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, xử lý khoảng 123 dự án, chủ yếu là dự án mà DNNN được giao quản lý nhưng kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí tài nguyên đất đai và lợi ích xã hội. Đối với những dự án sử dụng đất đã bồi thường nhưng chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án, thành phố sẽ kiến nghị để chuyển đổi chủ đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án nhằm bảo đảm tiến độ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến nhiều nhà đầu tư mất năng lực tài chính, không thể triển khai dự án là do nền kinh tế suy thoái, sức tiêu thụ các sản phẩm về nhà đất sụt giảm nên đầu ra bị thu hẹp, doanh nghiệp không bán được hàng, không huy động được vốn. "Thành phố hết sức chia sẻ khó khăn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, không thể để doanh nghiệp "ôm" đất như vậy, bởi điều này không những khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên mà Nhà nước cũng thất thoát ngân sách khi để lãng phí nguồn tài nguyên đất đai" - ông Luận nói. Cũng theo ông Võ Văn Luận, khi đưa ra quyết định thu hồi, thành phố đã cân nhắc trên tinh thần khách quan. "Thu hồi dự án nào, của doanh nghiệp nào, thành phố đều xem xét một cách khách quan và công bằng. Nhà đầu tư nào còn năng lực triển khai thì tiếp tục cho làm, ngược lại sẽ kiên quyết thu hồi", ông Luận khẳng định.
Chủ đề: Bỏ hoang
Nguyễn Lê (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.