Gần 4 năm qua, cuộc sống gia đình ông Trần Văn Thạch Anh - ấp 3, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại - hết sức khó khăn. Gia đình này đang nợ trên 300 triệu đồng do đầu tư xây dựng chợ Tam Hiệp… rồi bỏ hoang. Ông Anh cho biết, năm 2010, bà Võ Thị Đạm Tuyết (Chủ tịch UBND xã) và ông Trương Văn Dũng (Bí thư Đảng ủy xã) đến gia đình ông vận động xây chợ Tam Hiệp (ảnh) theo hình thức “xã hội hóa” để xã đủ tiêu chí xã văn hóa. Các cán bộ này cho rằng, đất của gia đình ông Anh nằm trong quy hoạch xây chợ rất có tiềm năng, xã sẽ vận động tiểu thương ở chợ “chồm hổm” gần đó vào.
Nghe theo lời vận động, gia đình ông Anh đốn bỏ vườn nhãn 10 năm tuổi để san lấp mặt bằng và đầu tư xây nhà lồng chợ Tam Hiệp. Để có số tiền lớn, ông Anh phải đi vay, mượn... đến nay chưa trả được. Gần 4 năm qua, gia đình ông Anh đã gửi đơn đến các ngành, các cấp, song đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Ông Nguyễn Văn Thành - người dân ấp 3 - cho biết: “Trước đây tôi là trưởng ấp này nên biết việc lãnh đạo xã vận động ông Anh xây chợ. Không biết lý do nào mà xã không buộc các hộ tiểu thương ở chợ vỉa hè vào bán tại chợ mới. Gia đình này nghèo, bỏ tiền ra xây chợ rất tốn kém nên cần được sớm giải quyết”. Còn theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp: “Đây là việc của người tiền nhiệm, phía UBND xã đã tích cực vận động hộ tiểu thương từ chợ cũ (không đạt tiêu chuẩn) vào chợ mới. Bà con không vào nên giải quyết vụ chợ Tam Hiệp rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị về huyện, tỉnh có biện pháp chuyển đổi công năng chợ do ông Anh đầu tư hoặc mua lại phần đất này. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được sự đồng ý của gia đình ông Anh”.
Được biết, cuộc sống gia đình ông Anh chủ yếu dựa vào 3 công đất vườn. Do đốn bỏ vườn nhãn để san lấp mặt bằng xây dựng chợ Tam Hiệp nên thời gian qua gia đình ông bị thất thu. Chờ đợi mãi không được giải quyết ông đã trồng lại vườn nhãn, song chưa đến tuổi cho trái. Còn nhà lồng chợ Tam Hiệp đã xuống cấp, hư hỏng.
Ông Anh cho biết: “Tôi đề nghị phía xã phải làm cách nào đưa các hộ tiểu thương vào chợ buôn bán như lời hứa trước đây. Nếu không, UBND xã phải bồi thường tiền thu lợi từ vườn nhãn, bơm cát san lấp mặt bằng, tiền đầu tư xây nhà lồng chợ… khoảng 500 triệu đồng. Có thể gia đình tôi sẽ kiện UBND xã ra tòa án giải quyết”.
-
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc dư luận
Trong số các dự án trì trệ gây lãng phí được Thủ tướng Chính phủ nêu ra có bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở hai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM.
-
Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế
Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới....
-
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng...