Ông Trần Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch tỉnh (Vungtau
Tourist), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, ngày 15/11, Chi cục
Thuế TP Vũng Tàu gửi đến Cty bản thông báo tạm nộp tiền thuê đất kỳ 2
năm 2011. Thông tin khiến DN giật mình là tiền thuê đất của khu du lịch
Biển Đông (trực thuộc Vungtau Tourist) tại Bãi Sau đã tăng từ 1,125 tỷ
đồng (năm 2010) lên... 9,36 tỷ đồng (năm 2011), tăng gấp 8,32 lần.
Đúng nhưng chưa phù hợp
Theo ông Việt, “hàng năm, tiền thuê đất của Cty chúng tôi nộp cho nhà
nước đều tăng, nhưng ở mức độ vừa phải và DN có thể chịu đựng được. Tuy
nhiên, khi nhận được thông báo tạm nộp tiền thuê đất năm nay, chúng tôi
không khỏi giật mình lo lắng, bởi số tiền tăng cao quá đột ngột”. Không
chỉ riêng Vungtau Tourist mà một số DN kinh doanh bãi biển tại Bãi Sau
cũng có chung cảnh ngộ.
Lãnh đạo một khu du lịch ở Bãi Sau phân tích, hoạt động kinh doanh du lịch đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát trong nước, tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới nên du khách cắt giảm chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho du lịch. Vì thế, DN rất khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. “Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay, doanh thu hàng năm của DN chỉ tăng từ 10% - 20% và lợi nhuận đạt 7%-8%. Nếu phải trả tiền thuê đất như trên thì chúng tôi chỉ còn cách trả lại mặt bằng cho nhà nước vì lợi nhuận không đủ trả tiền thuê đất chứ chưa nói gì đến giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động”- vị lãnh đạo này cho biết.
Thực tế, tiền thuê đất năm 2011 tăng cao không chỉ với các DN kinh
doanh du lịch ở Bãi Sau mà là với tất cả các DN trên cả nước. Tiền thuê
đất năm 2011 được áp dụng theo Nghị định 142 năm 2005 của Chính phủ về
thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định 121 năm 2010 của Chính phủ
về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142 và một số quy định
của từng địa phương.
Theo cách tạm tính của Chi cục Thuế TP Vũng Tàu, tiền thuê đất của DN
tại Bãi Sau được tính theo công thức: Tổng diện tích đất thuê nhân giá
đất do UBND tỉnh quy định hàng năm nhân tỷ suất thuê đất 2% một năm
(chẳng hạn, tiền thuê đất của khu du lịch Biển Đông là: 37.500m2 x
12.480.000 x 2% = 9.360.000.000 đồng).
Theo các DN, cách tính tiền thuê đất này là đúng với các quy định chung của Nhà nước và của tỉnh nhưng chưa tính đến những đặc thù riêng của hoạt động du lịch ở Bãi Sau và có sự không bình đẳng giữa các DN.
Lãi không đủ nộp
Để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các DN, tuần qua Hiệp hội Du lịch
tỉnh đã họp với một số DN kinh doanh du lịch tại Bãi Sau để đề xuất
phương án thuê đất hài hòa giữa lợi ích của DN và nhà nước. Tại cuộc
họp, các DN cho rằng công thức tính tiền thuê đất đối với các DN kinh
doanh tại khu vực bãi tắm Thùy Vân là khó áp dụng, bởi không một DN nào
có khả năng làm ra lợi nhuận đủ để trả tiền thuê đất và tồn tại được.
Các DN phân tích: bãi tắm Thùy Vân là bãi tắm mở, mọi người dân đều
có quyền ra vào mà không phải trả tiền vé vào cổng. Khách chỉ phải trả
tiền khi sử dụng các dịch vụ như tắm nước ngọt, thuê dù, ghế, gửi xe...
nhưng giá các dịch vụ này do nhà nước quy định. Mặt khác, diện tích xây
dựng cho mục đích kinh doanh (nhà hàng, nhà nghỉ, ki-ốt, hồ bơi) bị
khống chế không vượt quá 20% tổng diện tích khu vực, các công trình xây
dựng không được xây cao tầng để không hạn chế tầm nhìn ra biển, diện
tích dành cho mục đích công cộng như cây xanh, thảm cỏ, bãi đậu xe...
quá lớn mà không phát sinh doanh thu. “Trên cùng con đường Thùy Vân,
cùng phải chịu giá thuê đất như nhau nhưng các DN phía biển không được
xây công trình cao tầng, mật độ xây dựng thấp, còn các DN phía trong
đường Thùy Vân lại được xây cao tối đa 33 tầng, với mật độ xây dựng cao
và có thể tận dụng được tối đa diện tích cho mục đích kinh doanh. Điều
này dẫn đến sự không bình đẳng giữa các DN”- Giám đốc một khu du lịch ở
Bãi Sau bày tỏ.
Các các DN đã thống nhất đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh gửi văn bản lên UBND tỉnh, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan kiến nghị xem xét, điều chỉnh cách tính giá thuê đất cho các DN du lịch ở bãi tắm Thùy Vân. Theo đó, các DN đề nghị chỉ tính tiền thuê đất đối với diện tích kinh doanh trực tiếp (hồ bơi, nhà hàng, nhà nghỉ) mà không tính diện tích đất dành cho công cộng (bãi đậu xe, cây xanh, thảm cỏ...). Hiệp hội Du lịch tỉnh đề xuất công thức tính giá thuê hạ tầng: (Diện tích đất sử dụng cho mục đích kinh doanh x 249.600 đồng/m2/năm x 0,5) + (tổng diện tích đất thuê x 19.614 đồng). Trong đó 0,5 là hệ số K, là hệ số ưu tiên cho các DN ở bãi tắm Thùy Vân do công trình bị hạn chế về chiều cao, diện tích xây dựng thấp. Với cách tính này, tiền thuê đất và hạ tầng năm 2011 của khu du lịch Biển Đông cũng đã tăng thêm khoảng 48,5%.







