Việc siết chặt dòng vốn chảy vào bất động sản sẽ gây nên những tác động tiêu cực đối với thị trường.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, mới đây cho biết Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản.
Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân do 2 vấn đề. Một là những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1, đương nhiên lĩnh vực bất động sản phải “phanh” lại. Hai là một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề phức tạp về pháp lý cũng đang dừng lại.
Theo ông Lực, tình trạng này xảy ra cục bộ, chứ không phải nhiều tổ chức tín dụng. Như vậy, nhiều dự án vẫn sẽ được triển khai và các chủ đầu tư hãy “yên tâm”.
Ông Lực cho rằng do dịch bệnh bất thường nên hai năm qua, quy mô bất động sản và xây dựng vẫn còn khiêm tốn, do đó còn nhiều tiềm năng để phát triển. Trong khi đó, vai trò thu hút vốn của bất động sản vô cùng quan trọng trong 35 ngành nghề khác nhau, liên quan đến bất động sản với các hệ số khác nhau.
Bên cạnh đó, tứ giác liên thông ngân hàng – bảo hiểm – bất động sản – chứng khoán có liên quan chặt chẽ với nhau, lĩnh vực này rủi ro sẽ kéo theo rủi ro và ngược lại.
Doanh nghiệp bất động sản đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các ngành tham gia hệ sinh thái của nhau, do đó cần đề cập khi đánh giá phân tích rủi ro. Đây là rủi ro hệ thống liên quan đến tài chính – bất động sản.
Đối với dòng vốn, ông Lực cho rằng, tác động của một số chính sách khác tới nguồn vốn thị trường bất động sản có cả mặt tích cực và theo hướng chặt chẽ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp bất động sản? Ông Lực đặt câu hỏi và tự trả lời, rằng đó sẽ là tình trạng giảm nhiệt thị trường, gia tăng mất cân đối cung cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không thể giảm).
Ngoài ra, các dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, giảm đà phục hồi kinh tế; doanh nghiệp, thị trường lo lắng, lưỡng lự triển khai đầu tư dự án… Do vậy, việc kiểm soát hợp lý là rất quan trọng.
Cũng theo ông Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 đến 1 triệu tỉ đồng vốn trung dài hạn (ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng). Do đó, thị trường bất động sản cần có cách tiếp cận, phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiểm soát rủi ro nhưng cần nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn.
Ngoài ra, cần có quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp. Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs), cơ quan tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng trong thời điểm này, nên kiểm soát một cách hợp lý thị trường.
"Dòng vốn tín dụng vẫn phải chạy vào bất động sản đầu tư, đặc biệt nên ưu tiên trong các dự án bất động sản đang triển khai để nhanh cung cấp ra thị trường. Chú ý hơn đến nguồn cung nhà ở giá vừa phải, đồng thời đẩy mạnh nguồn cung trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cho vay nhiều hơn", ông Khởi nhấn mạnh.
Vị này cũng kiến nghị kiểm soát dòng tiền chạy theo tiến độ, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để tạo sức lan tỏa lớn đến thị trường, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo ông Khởi, thời điểm hiện nay Việt Nam đang có cơ hội nhưng cũng có những thách thức. Do đó, chúng ta cần phải chú trọng, kiểm soát và có định hướng đúng đắn, lâu dài.
-
Siết tín dụng bất động sản nhìn từ bài học 10 năm trước
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng vốn vào bất động sản khiến nhiều người liên tưởng đến bài học từ việc thắt chặt tín dụng từ những năm 2008 và 2011.
-
Vướng mắc giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản bao giờ mới giải toả?
Lãi suất, tiếp cận tín dụng, thủ tục pháp lý... là những vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
-
Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấ...
-
Tín dụng bất động sản toàn cầu suy giảm nhưng vẫn có điểm sáng
Mặc dù lạm phát đã giảm nhưng lãi suất dự kiến trong khoảng thời gian còn lại của năm 2023 vẫn ở mức cao, kéo theo lượng vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị hạn chế.