19/05/2013 12:40 PM
Đầu tư hàng tỷ đô vào dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam nhưng chỉ đình đám một thời rồi lặn mất tăm, không ít chủ đầu tư đã phải bỏ của chạy lấy người trong khi siêu dự án vẫn còn trên giấy hoặc bị bỏ mặc hay thu hồi.

Vina Universal 50 triệu USD

Năm 2007, Tập đoàn Tân Tạo (ITA) được cấp phép đầu tư dự án phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD. Đây được coi là dự án lớn xây dựng một trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp đồng thời là phim trường tầm cỡ khu vực và quốc tế trên diện tích gần 2.600 ha tại tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đến đầu năm 2011, ITA tuyên bố không triển khai dự án nữa vì hết tiền đầu tư.

Sau khi cấp phép, năm 2008, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch dự án 1/2000 trên diện tích gần 2.570 ha mặt đất, mặt biển tại khu vực phía Nam huyện Đức Phổ, để nhà đầu tư triển khai phim trường. Thế nhưng 3 năm qua Tập đoàn Tân Tạo vẫn "án binh, bất động".

Nàng tiên cá hẩm hiu

Đình đám một thời phải kể tới dự án Rusalka (tiếng Nga có nghĩa là Nàng tiên cá) do công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) làm chủ đầu tư trên khoảng đất ven bờ biển TP Nha Trang, Khánh Hoà, rộng 43,8 ha.

Từ một công trình được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch biển Nha Trang (Khánh Hòa), dự án Rusalka hiện đang phải trùm mền, cỏ dại mọc um tùm, các công trình trị giá trên 100 tỉ đồng đang vỡ vụn dần theo thời gian. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa cấp lại giấy chứng nhận đầu tư mới cho dự án này với tên gọi Champarama resort & Spa.

Trước đó, vào năm 2000 cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Rus-Invest-Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm năm sau đó, ông Chi bị bắt nên các công trình và gần 45 ha đất tại Rusalka bị kê biên; giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án này bị thu hồi.

Đầu năm 2010, ông Chi ra tù và đề nghị lập Công ty Focus Travel Nha Trang để tiếp tục thực hiện dự án Rusalka. Tháng 8/2011, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa và ông Chi thông báo thanh lý dự án.

Tuy nhiên, nhà thầu chính và là chủ nợ lớn nhất của RIT là Công ty BMC (Bộ Công Thương) phản đối thông báo thanh lý, cho rằng có sự mập mờ có lợi cho ông Chi. Cuối tháng 10/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chọn Công ty Focus Travel Nha Trang làm nhà đầu tư mới của dự án Rusalka (dù đến ngày 16/12/2011, công ty này mới được thành lập).

Hoa hậu thế giới tại Cồn Thới Sơn

Năm 2009, nhiều người bất ngờ khi ông Hoàng Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang, đứng ra xin phép chuyển địa điểm tổ chức đêm chung kết cuộc thi hoa hậu thế giới từ Nha Trang về tỉnh Tiền Giang.

Để thuyết phục dư luận và lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Kiều trưng ra hàng loạt những dự án bất động sản hoành tráng phục vụ cuộc thi hoa hậu, trong đó có dự án khu du lịch sinh thái Thới Sơn, thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Thế nhưng, dự án đưa hoa hậu thế giới về Tiền Giang thất bại, kế hoạch "nóng hổi" trong phút chốc biến thành nhiệm vụ bất khả thi, số lần trở về Tiền Giang của đại gia Việt kiều này thưa dần. Điều gây bất bình cho người dân là ông Hoàng Kiều để lại món nợ bạc tỷ tiền mua đất của dân.

Siêu dự án Bãi Biển Rồng

Siêu dự án Bãi Biển Rồng có vốn đăng ký lên đến 4,15 tỉ USD, trên diện tích 400ha đất ven biển, do Công ty TNHH Tập đoàn Bãi Biển Rồng với đối tác là 2 Cty Mỹ gồm Tano Capital LLC và Global C&D INC làm chủ đầu tư.

Dự án nằm trên khu đất diện tích 460ha tại huyện Điện Bàn, có 11 công trình lớn, gồm các khách sạn, sòng bài, trung tâm thương mại - hội nghị quốc tế, các khu vui chơi giải trí... Trong đó có chín tổ hợp khách sạn có sòng bạc với qui mô 200ha, vốn đầu tư 9 tỉ USD; sân golf, khu thể thao cộng đồng và câu lạc bộ đồng quê có diện tích 20ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Một trung tâm hội nghị quốc tế diện tích 30ha, vốn đầu tư 400 triệu USD. Một trường cao đẳng đào tạo nghề diện tích 20ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Riêng khu văn phòng điều hành có diện tích 10ha với vốn đầu tư 200 triệu USD.

Toàn bộ dự án do Global C&D Inc. (Công ty Phát triển và xây dựng toàn cầu - Hoa Kỳ) cùng Công ty Tano Capital và Spring Investment (Hoa Kỳ) đầu tư 100% vốn.

Tuy nhiên, quá thời hạn chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền kí quỹ, chưa lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, chưa triển khai các bước thực hiện đầu tư, và tỉnh đã buộc phải thu hồi.

Công viên giải trí tỷ đô

Tháng 6/2010, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group, cũng đã giới thiệu dự án công viên giải trí Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Theo thiết kế, công viên giải trí & Khu đô thị Vĩnh Lộc được phát triển với 3 chủ đề chính có liên quan chặt chẽ với nhau: Khu dân cư, Công viên giải trí và Du lịch sinh thái. Sở hữu nhiều thuận lợi như có diện tích lớn, vị trí giao thông chiến lược và một hồ nước 80 ha ở trung tâm, Tập đoàn C.T Group đã hợp tác với các công ty quốc tế để phát triển Vĩnh Lộc thành một mô hình Disneyland của Việt Nam và đồng thời là một khu đô thị văn hóa, sinh thái tuyệt đẹp.

2 năm đã trôi qua, dự án vẫn án binh bất động vì chưa được giao đất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc gọi vốn có thể là nguyên nhân quan trọng hơn đang cản trở quá trình triển khai dự án này.

D.A (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.