Từ Bạch Kim Plaza
Đầu tháng 9-2008, UBND TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho một liên doanh để đầu tư dự án khu trung tâm thương mại - khách sạn và văn phòng cho thuê mang tên Platinum Plaza (Bạch Kim Plaza) tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH BSC-WCT - một liên doanh giữa Công ty WCT Engineering Berhad (Malaysia) góp 67% vốn và đối tác Việt Nam là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Minh Thiên góp 27% vốn.
Theo chủ đầu tư công bố, toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD, quy mô hơn 109.000m2. Đây là một khu phức hợp đa chức năng gồm tòa tháp khách sạn 4 sao, 3 khối tòa nhà văn phòng cao 22 tầng, trung tâm thương mại - dịch vụ 4 tầng, khu phức hợp thể dục thể thao - vui chơi giải trí và bãi đỗ xe cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh trên khu đất để bán và cho thuê.
Lúc đó ông Loh Siew Choh, Giám đốc điều hành của Công ty WCT Engineering Berhad, cho biết dự án sẽ sớm được triển khai ngay sau khi giải tỏa đền bù xong và dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 4 năm xây dựng. Tuy nhiên sau đó công tác đền bù giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn.
Thời kỳ Công ty TNHH BSC-WTC được cấp giấy chứng nhận đầu tư thị trường BĐS vẫn còn thuận lợi, nhưng một thời gian ngắn sau đó rơi vào tình trạng đóng băng cho tới hiện nay. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn cộng với thị trường BĐS đảo chiều, là những nguyên nhân chính khiến dự án rơi vào bế tắc.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, toàn bộ dự án chậm tiến độ, chưa đền bù giải phóng mặt bằng. Ngày 1-7-2013 UBND TP đã ban hành Quyết định 3543/QĐ-UBND để thu hồi, hủy bỏ dự án. Theo ghi nhận của ĐTTC, người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp chủ quyền, chuyển nhượng, xây cất… do còn chờ hướng dẫn từ trên.
Đến khu tái định cư Tam Tân
Sáng 17-11-2007, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) tổ chức khởi công xây dựng dự án tái định cư Tam Tân tại Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi. Quang cảnh buổi lễ khởi công lúc đó cùng với thông tin chủ đầu tư công bố khiến nhiều người tin rằng không bao lâu nữa nơi “đất thép thành đồng” sẽ mọc lên một khu đô thị văn minh, hiện đại. Cờ xí rợp trời từ thị trấn Củ Chi vào tới khu vực khởi công dự án, hàng đoàn xe của các sở, ngành TP, huyện Củ Chi… nối đuôi nhau đi vào khu vực khởi công.
Theo công bố, dự án tái định cư Tam Tân rộng 20ha gồm chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, trường mẫu giáo, trường tiểu học, công viên... Dự kiến dự án xây dựng trong thời gian 4 năm, hoàn thành vào năm 2010, tổng kinh phí trên 1.012 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu dân cư hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu tái định cư cho các dự án thuộc phạm vi khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) theo chương trình tái định cư của TP.
Lễ khởi công khu dân cư Tam Tân được CII tổ chức hoành tráng, nhưng sau đó chủ đầu tư trả lại dự án cho TP vì không hiệu quả. Ảnh: Tr.Giang
Trước đó, CII cũng công bố thông tin về một dự án hoành tráng nằm trong khu đô thị Tây Bắc, đối diện với Khu tái định cư Tam Tân. Theo đó, UBND TPHCM đã có Công văn 3893/VP-ĐTMT ngày 21-6-2007 đồng ý giao CII làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Tân An Hội tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.
Dự án này có diện tích quy hoạch 102ha; tổng vốn đầu tư cho phần đền bù giải tỏa và xây dựng cơ sở hạ tầng ước tính 400 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức cuốn chiếu trong thời gian 5 năm. Nơi đây sẽ xây dựng khu dân cư bao gồm khu chung cư, biệt thự, trường học, công viên... thành một khu quần thể theo quy hoạch của TPHCM. Tuy nhiên, ngay sau lễ khởi công được tổ chức rầm rộ, mọi thứ chìm vào quên lãng.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII, cho biết dự án không thể triển khai nên CII đã quyết định trả lại cho UBND TP. Bà Trâm còn tiết lộ khi ấy pháp lý của dự án vẫn chưa hoàn thiện nhưng lãnh đạo TP muốn công ty tổ chức khởi công để tạo khí thế, lôi kéo các doanh nghiệp khác đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc. Nhưng thực tế dự án đã không thành.
-
Điểm mặt dự án bị thu hồi (K2): An Phú Hưng-giấc mơ không thành
Ngày 12-2-2004 UBND TPHCM có Quyết định 573/QĐ-UB giao đất đầu tư dự án Khu đô thị mới An Phú Hưng do Công ty TNHH MTV An Phú làm chủ đầu tư. Được tư vấn thiết kế bởi Công ty HOK (Hoa Kỳ) với định hướng trở thành khu đô thị, thương mại và dịch vụ, đồng thời là cụm công nghiệp sạch, An Phú Hưng sẽ là TP vệ tinh ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên giấc mơ vệ tinh đã không thành hiện thực.
-
Điểm mặt dự án bị thu hồi (K1): Đại Thế Giới - Nhập nhằng đất công
Trong gần 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM về việc giám sát, tổ chức và thực hiện quy hoạch trên địa bàn, qua rà soát UBND TP đã ra quyết định hủy bỏ, thu hồi 536 dự án (bao gồm dự án phúc lợi công cộng, phát triển nhà ở…) với quy mô hơn 5.500ha. Đây là những dự án không khả thi, chậm triển khai do chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, bế tắc trong công tác đền bù giải tỏa… Chúng ta hãy cùng lần lượt nhìn lại cận cảnh những dự án này.
-
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc dư luận
Trong số các dự án trì trệ gây lãng phí được Thủ tướng Chính phủ nêu ra có bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở hai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM.
-
Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế
Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới....
-
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng...