Từ căn hộ rộng rãi ở tầng 24, vợ chồng Masako Tsubuku có thể ngắm
nhìn vẻ đẹp ngoạn mục của núi Phú Sĩ. Nhưng sau cơn bấn loạn hôm 11-3,
tầm nhìn đẹp không còn ý nghĩa gì so với nỗi khát khao được sống thanh
thản, hai vợ chồng đang có ý định rời bỏ căn hộ này càng sớm càng tốt.
Tsubuku nhớ lại cô đã sợ cứng người khi tòa nhà lắc lư như cây sậy trong gió bão. Không riêng gì vợ chồng cô Tsubuku, ngày càng nhiều người ở Tokyo và khu vực lân cận cảm thấy sợ hãi khi phải sống trong những tòa cao ốc. Vì thế giá bán các căn hộ chung cư cao tầng đã giảm mạnh ở Tokyo.
Vỉa hè bị động đất xé toạc.
Tâm lý bất an của người dân đang đe dọa làm đình trệ cuộc đua tái
thiết hậu động đất sóng thần của thị trường nhà ở Nhật Bản. Hàng tỷ USD
các dự án bất động sản đang có nguy cơ khó thu hồi vốn. Trận động đất
cũng phơi bày sự bất ổn của dải đất lấn biển trong thập niên qua đã trở
thành nhà cho hàng trăm ngàn người dọc theo vịnh Tokyo.
Tại Urayasu, một thành phố ven biển cách trung tâm Tokyo 10 dặm về
phía Đông, trận động đất đã xé nát vỉa hè và lật nghiêng nhà ở, mặt đất
đã nhanh chóng biến thành bùn. Những mối lo ngại về nhà cao tầng và bất
động sản ven biển ở Tokyo và các thành phố khác đang phủ bóng đen lên
thị trường bất động sản trị giá 29.000 tỷ USD của Nhật Bản.
Theo Viện Kinh tế bất động sản - một trung tâm nghiên cứu tư nhân ở Tokyo - trong tháng 5, doanh số bán tại các tòa nhà chung cư từ 20 tầng trở lên ở khu vực Tokyo mở rộng giảm tiếp 39,5% so với một năm trước, sau khi đã sụt giảm tới 82,8% trong tháng 4.
Thực tế, các quy chuẩn xây dựng nghiêm ngặt nên các tòa cao ốc ít bị
thiệt hại vì động đất, mà chủ yếu bị tàn phá do sóng thần. Nhưng kể từ
thảm họa hồi tháng 3, người mua nhà thích các căn hộ chung cư thấp tầng
hơn và tìm kiếm nhà nằm sâu trong nội địa, nơi có nền đất được cho là
vững chắc hơn.
Ông Toru Matsumura, người đứng đầu nhóm đầu tư bất động sản tại Viện
Nghiên cứu NLI Tokyo, cho biết: "Chẳng ai quan tâm quá nhiều nữa về một
tầm nhìn tốt, thay vào đó, họ đặt câu hỏi về những gì sẽ xảy ra nếu lại
bị động đất lớn”. Các nhà phát triển địa ốc đã cố gắng trấn an người dân
rằng mặc dù bị thiệt hại nhưng các tòa nhà vẫn an toàn vì chúng được
kết cấu với cọc bê tông cốt thép neo tòa nhà xuống đất.
Kể từ sau thảm họa, quảng cáo các căn hộ mới trên khắp Nhật Bản luôn
đi kèm với sơ đồ chi tiết cấu trúc của tòa nhà và đảm bảo nền đất an
toàn.
Tuy nhiên, Shuji Tamura, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phòng chống
thiên tai Trường Đại học Kyoto, lo ngại rằng các cọc của các tòa nhà đã
bị hư hại, làm cho chúng dễ bị gãy đổ nếu lại bị động đất trong tương
lai. Và ngay cả khi các tòa nhà có cấu trúc an toàn, trận động đất tháng
3 đã chỉ ra rằng các tòa nhà chọc trời có thể lắc lư nhiều hơn so với
ước đoán của nhiều kỹ sư.
GS. Yoshiaki Hisada, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giảm nhẹ thiên tai đô thị Trường Đại học Kogakuin, nói: "Những công trình này sẽ không sụp đổ nhưng trận động đất đã buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc làm thế nào để bảo vệ những người sống trong đó - thí dụ, phải làm sao để chắc chắn trần nhà không rơi xuống làm tổn thương một ai đó".