Thị trường địa ốc đang nóng lên từng ngày với những thông tin giải cứu. Ảnh MN
Đầu tiên có thể kể đến là vụ chuyển nhượng dự án với quy mô hơn 77ha - Park City do Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Nam (VIDC), đơn vị liên doanh giữa Perdana ParkCity và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành làm chủ đầu tư. Mới đây Công ty Perdana ParkCity (Malaysia) thông báo đã mua lại 40% cổ phần của Vinaconex - Hoàng Thành và chính thức sở hữu 100% VIDC. Điều này đồng nghĩa với việc Perdana ParkCity là chủ mới của Park City.
Đầu tháng 1, Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng chính thức công bố chuyển nhượng phần góp vốn có tổng giá trị 80 tỷ đồng tại dự án Đồng Mai – Hà Đông để tái cơ cấu danh mục đầu tư và tạo nguồn vốn cho công ty.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2012, UBND thành phố Hà Nội cũng đã nhận được kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hà Nội về việc xin điều chỉnh mục tiêu đầu tư quỹ nhà ở thương mại sang quỹ nhà thu nhập thấp của dự án “Khu đô thị Trung Văn mở rộng”, tại xã Trung Văn, huyện Từ Liêm. Đây cũng là dự án nhà thương mại đầu tiên tại Hà Nội xin chuyển thành nhà thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô
Những thông tin chuyển nhượng và chuyển công năng dự án trên đây cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đã cạn kiệt nguồn tài chính nên đành phải rút khỏi các dự án hoặc chuyển đổi để hạ giá căn hộ nhằm bảo toàn đồng vốn còn lại. Trước thực trạng này, vấn đề giải cứu bất động sản càng trở nên nóng hổi và khẩn cấp hơn bao giờ hết.
Mở đầu có thể kể đến Nghị quyết 02 của Chính phủ mới được ban hành ngày 07/01 vừa qua. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các địa phương hỗ trợ mua lại nhà ở thương mại của doanh nghiệp để làm nhà ở xã hội. Đồng thời, dành một lượng vốn hỗ trợ những đối tượng thu nhập thấp hoặc cán bộ viên chức vay mua nhà với lãi suất thấp.
Những chính sách này được thông qua khiến cho giới đầu tư như khấp khởi mừng thầm nhưng có lẽ bấy nhiêu biện pháp đó chưa đủ để vực dậy thị trường. Do vậy, mới đây Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) chính thức báo cáo Bộ Xây dựng về thực trạng thị trường cùng hàng loạt kiến nghị kèm theo nhằm giải cứu bất động sản.
Hiệp hội đề xuất Chính phủ sớm cụ thể và chi tiết hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường mà Chính phủ đã công bố hồi cuối tháng 12/2012. Trong đó có việc giảm lãi suất cho vay về còn khoảng 8 -10%/năm, yêu cầu các ngân hàng thương mại dành 3 -5% tổng dư nợ hàng năm cho phát triển nhà ở xã hội, sớm hình thành cơ quan tái thế chấp vay vốn, quỹ tiết kiệm nhà ở… Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai của tất cả các dự án ngay trong thời gian từ quý 1 đến quý 2/2013 để quyết định cho chuyển đổi mục đích, giãn tiến độ hoặc thu hồi dự án.
Hôm 16/1 vừa qua, Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cứu lấy thị trường bất động sản đang kiệt sức. Theo hội nghị, để giải quyết tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, Bộ sẽ tập trung cao độ để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, thông qua việc phát triển mạnh các chương trình nhà ở xã hội.
Nếu tất cả những giải pháp hỗ trợ thị trường nêu trên được thông qua, tin chắc thị trường bất động sản sẽ có những tiến triển tích cực hơn. Tất nhiên, thị trường sẽ cần thời gian dài để hồi phục từ từ chứ không thể trở lại như thời hoàng kim ngay lập tức.
Để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn cần sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có nỗ lực của chủ đầu tư nhằm minh bạch mọi thông tin cũng như đảm bảo tiến độ của dự án nhằm lấy lại niềm tin từ phía khách hàng. Có như vậy, thị trường mới có động lực để phát triển bền vững.