Xi măng mắc kẹt ở đầu ra do bất động sản vẫn còn ì ạch
Cũng giống như ngành thép, xây dựng dân dụng vẫn là phân khúc tiêu thụ xi măng chính ở Việt Nam. Do vậy, tiêu thụ trong ngành này vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án khó khăn về pháp lý, nguồn vốn và giải ngân vốn khiến sức tiêu thụ xi măng dự kiến ở mức thấp
Cụ thể, hơn 55% sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa phụ thuộc vào ngành bất động sản nên khi thị trường này gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng tiêu thụ của các nhà máy sản xuất xi măng trong nước.
Năm 2023, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà đang thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 mới đây, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc Xi măng Vicem Hà Tiên, nhận định thị trường xi măng vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19. Các công trình, dự án bất động sản cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn/hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công chưa thuận lợi.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến các nhà máy sản xuất xi măng gặp khó trong vấn đề tìm đầu ra sản phẩm.
Hiện tại, nguồn cung xi măng trong nước tiếp tục mất cân đối, cung vượt cao so với nhu cầu. Cụ thể, trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động, đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ ở mức từ 64-65 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Năm nay, thị trường xuất khẩu được dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao... Đây là các yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng trong nước.
Thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng đang trông chờ tín hiệu từ sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản với một loạt chính sách vừa được Chính phủ ban hành. Ngoài ra, một số tín hiệu tích cực trong triển khai các công trình sử dụng vốn ngân sách, nhất là loạt công trình giao thông vừa qua, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých để ngành xây dựng nói chung và xi măng nói riêng lấy lại đà phục hồi.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường xi măng
Lãnh đạo Xi măng Hà Tiên cho biết, nhiều năm qua, công ty vẫn giữ vững thị phần cao nhất tại thị trường miền Nam, với sản lượng tiêu thụ bình quân chiếm 10-11% thị trường cả nước. Dù vậy, Xi măng Hà Tiên vẫn đối diện nhiều sức ép cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành.
Bình quân lượng tiêu thụ xi măng trên đầu người tại Việt Nam là 600-650 kg/người, thấp hơn so với các nước khác
Trên thực tế, cuộc cạnh giành thị phần không phải mới xảy ra, mà đã ngấm ngầm hàng chục năm, giữa các “đại gia xi măng” từ Nam ra Bắc.
Trong khi tiêu thụ vốn đã khó khăn thì thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do mất cân đối cung - cầu cục bộ giữa các vùng, miền (thừa tại khu vực miền trung, thiếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên) khiến chi phí vận chuyển, logistics tăng cao, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tổng Giám đốc Xi măng Hà Tiên Lưu Đình Cường đánh giá nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước vẫn còn thấp. Tính bình quân lượng tiêu thụ xi măng trên đầu người tại Việt Nam là 600-650 kg/người, thấp hơn so với các nước khác. Do đó, dư địa thời gian tới vẫn còn lớn.
Cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ông Cường đánh giá thị trường xi măng hết sức khó khăn. Riêng quý 1.2023, tình hình tiêu thụ xi măng giảm khoảng 20%, cả miền Nam giảm 25%.
“Nếu như tại thời điểm này những năm trước đây, nhu cầu xây dựng rất lớn, nhưng hiện nay đang rất yếu. Đây là hệ quả của Covid-19 và lạm phát”. Ông Cường dự báo 6 tháng cuối năm 2023 sẽ khởi sắc hơn nhờ Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, tiền tệ, giúp nguồn vốn được khơi thông...
Năm 2023, Xi măng Hà Tiên đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ và gia công xi măng đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 1% so với năm ngoái.
“Để đạt được mục tiêu nêu trên, công ty sẽ bám sát thị trường, có cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp nhằm tăng sản lượng và thị phần” ông Cường nói.
-
Hé lộ sức khỏe “èo uột” của các doanh nghiệp xi măng sau những lùm xùm ở cấp lãnh đạo
Thị trường bất động sản trầm lắng cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm từ đầu năm 2023 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp xi măng trong nước.
-
Doanh nghiệp xi măng nào của Việt Nam đang bị Philippines áp thuế chống bán phá giá?
Xi măng Long Sơn, Thăng Long, Hạ Long, Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Vissai Ninh Bình... là những doanh nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam bị Philippines áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong vòng 5 năm.
-
Nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam vừa chứng kiến thua lỗ nghìn tỷ năm thứ 2 liên tiếp
Tổng công ty Xi măng Việt Nam lỗ năm thứ hai liên tiếp khi lợi nhuận hợp nhất 2024 âm 1.400 tỷ đồng.
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Âm vốn chủ sở hữu 7.700 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, kiểm toán cũng "cạn lời" với doanh nghiệp này
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn....