Ngày đầu tiên mở cửa Cung Triển lãm, quy hoạch đã có 3.561 lượt người tới xem triển lãm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Không hiếm nông dân từ các vùng ngoại thành cũng tất tả tìm đường tới cung chỉ để nhìn xem khu vực nhà mình có thuộc vùng quy hoạch nào không.

Kẻ mừng, người lo về giá đất

Rất nhiều người dân đã tới cung để tìm kiếm cơ hội buôn bán đất.

Qua báo chí biết được thông tin từ 1/8 mở cửa triển lãm Quy hoạch chung Thủ đô cho người dân thăm quan, ngay từ sáng sớm, anh Long, thôn Đồng Bèn, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội đã cùng mấy thanh niên trong làng tìm đến.

Nửa vui mừng, nửa lo lắng, anh Long cho hay: “Nhìn vào quy hoạch thì Quốc Oai được lên đô thị, mình vui khi thành dân thành thị nhưng cũng băn khoăn, có thể, các dự án lại tràn về, xóm làng cũ phải di dời sang khu vực khác”.

Anh Long là một trong những người dân nhanh nhạy tại xã Đông Xuân. Ngay khi Hà Nội mở rộng, anh đã huy động tiền để thành lập một văn phòng bất động sản chuyên mua đi bán lại những mảnh đất trong vùng.

Tuy vậy, công việc này có thể bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung. “Dạo này vẫn có người hỏi mua các mảnh ở đây nhưng không còn rộn ràng như trước, lại thêm việc đất Quốc Oai trong vùng quy hoạch, giá có thể thay đổi nếu rơi vào dự án” – anh nói.

Được biết, hiện anh có khoảng 3ha đất gồm cả đất vườn, đất thổ cư với giá chung là 500-600 triệu/sào. Anh cho hay, nếu đất này rơi vào quy hoạch dự án thì mức đền bù sẽ rất thấp vì diện tích đất thổ cư không nhiều. “Nhưng thôi, đầu tư thì chấp nhận rủi ro” – anh chép miệng.

Đi xem quy hoạch chung Thủ đô: Kẻ mừng, người lo

Đi xem quy hoạch chung Thủ đô:Kẻ mừng,người lo

Trong khi đó, khuôn mặt của ông Xuân (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) lại dãn ra, vui vẻ.

“Ba tháng trước đây, tôi mua được một mảnh đất tại xã Hương Ngải, Phúc Thọ với giá 6 triệu/m2, giờ đã lên 10 triệu/m2. Biết thế này, tôi mua mảnh trong khu vực gần thị trấn Phúc Thọ giá còn lên nữa, từ 6 triệu lên 15 triệu/m2 cơ. Giờ Hương Ngải gần trục Hồ Tây – Ba Vì, đất còn lên nữa” – ông Xuân nói.

Ông chỉ vào bản đồ và nói kinh nghiệm mua đất, nên mua đất sâu trong thị trấn hoặc giữa làng, để nếu có quy hoạch, cũng không lo. Không nên mua những mảnh ở rìa làng bởi rủi ro cao.

Ông cũng ngắm nghía rất kỹ các quy hoạch, hệ thống đường xá, chùm đô thị vệ tinh, không gian xanh, vùng nông thôn… để tìm kiếm cơ hội đầu tư đất.

“Tôi thấy, sau này cầu Tứ Liên được hoàn thành thì đường từ Bắc Ninh sang trung tâm Hà Nội không xa, nên đầu tư đất bên phía Bắc Ninh cũng được. Xem quy hoạch, không nên chỉ để ý vùng Hà Nội” – ông Xuân tính toán.

Lo từ giấy đến thực tế

Khác với những nhà đầu tư nói trên, nhiều người dân tới đây không phải tính toán cơ hội để làm ăn mà để xem tương lai Thủ đô sẽ như thế nào hoặc chỗ mình ở có bị ảnh hưởng gì không.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên đoàn chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều ông thích nhất ở bản quy hoạch là việc tổ chức vành đai xanh và phát triển chùm đô thị nhưng lại lo ngại quá trình chuyển từ quy hoạch bản vẽ ra thực tế.

“Quy hoạch này tốt, nhưng để quy hoạch trên giấy thành hiện thực cuộc sống là cả một quá trình. Thực tế, người ta đã có thể bẻ cong một con đường vốn được quy hoạch là thẳng tắp” – ông Thức nói.

Ông cũng lo lắng, chùm đô thị sẽ giải quyết được vấn đề chất tải ở nội đô, nhưng người dân ở các đô thị mới hiện đang là nông dân sẽ phải mất thời gian để chuyển đổi từ tập quán làm ăn, lối sống… thành người dân đô thị hiện đại là cả vấn đề.

Còn ông Chu Văn Chuẩn, La Khê, Hà Đông, Hà Nội lại quan tâm nhất khu đô thị Phú Xuyên – quê ông. “Theo quy hoạch, Phú Xuyên thành đô thị vệ tinh, khi đó, kinh tế, xã hội, đời sống người dân chắc chắn sẽ thay đổi nhiều. Giá đất tăng lên thì đương nhiên rồi nhưng nó còn là cơ hội phát triển kinh doanh chung nữa” – ông Chuẩn cho biết.

Trong khi đó, ông Thức (An Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì tới cung để tìm thông tin về dự án TP hai bên sông Hồng như thế nào. Nhưng buổi triển lãm đã làm ông thất vọng vì không có thông tin gì cả.

“Chúng tôi cứ mơ hồ mãi vì tới giờ vẫn không biết dự án có triển khai nữa không. Triển khai thì mức đền bù sẽ như thế nào, chứ mức cũ nhà đầu tư dự kiến đưa ra thì quá thấp, hơn 1 tỷ/nhà” – ông Thức nói.

Ông cũng than phiền, các dự án thường làm lâu la. Trong quá trình đó sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Với dự án TP hai bên sông Hồng, theo ông Thức, tại An Dương số dân trước đây là 39 vạn dân, giờ đã lên tới khoảng 50 vạn dân, khi đó nếu có triển khai dự án cũng sẽ rất khó khăn.

Được biết, triển lãm Quy hoạch chung Thủ đô sẽ mở cửa từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30 các ngày từ thứ Ba đến Chủ nhật hằng tuần để người dân vào thăm quan. Cung thu phí các loại máy quay là 150.000 đ/lượt, máy ảnh 100.000 đ/lượt./.

Theo Thái Linh (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.