Ngày 27/8, dù biết thông tin vàng miếng SJC bị làm giả, nhiều người dân vẫn không mấy quan tâm. Khách không yêu cầu giấy bảo đảm nên cửa hàng cũng bỏ qua luôn.

>> Xuất hiện vàng giả hiệu SJC trên thị trường

>> Mất tiền oan vì vàng giả, vàng “ăn bớt”

Trên giấy bảo đảm thường ghi đầy đủ các thông tin về trọng lượng, tuổi vàng, mã số seri miếng vàng, xuất xứ, giá cả, ngày giờ giao dịch, tên nhân viên bán hàng, là cơ sở để xác định nguồn gốc, chất lượng vàng.

Tại một hiệu vàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (TP HCM), chị Hương đến mua hai lượng vàng nhưng không yêu cầu chủ viết biên nhận. "Chỗ quen biết, mua vàng hoài mà cần gì viết giấy bảo đảm cho phiền phức", chị Hương nói.

Đi mua vàng, bạn hãy yêu cầu cửa hàng xuất giấy biên nhận bảo đảm. Ảnh: Lệ Chi.

Theo anh Tín, chủ hiệu vàng Kim Thành (Bình Thạnh), từ sáng đến chiều có khá nhiều người đến mua bán vàng nhưng đều không yêu cầu viết bảo đảm. "Họ không yêu cầu, không lẽ mình lại bảo họ phải lấy", anh Tín nói. "Kinh doanh vàng trước giờ lấy chữ tín làm đầu, chưa thể ngay tức thời điều chỉnh được thói quen này", anh Tín nói.

Chủ hiệu vàng trên đường Phan Bội Châu, gần chợ Bến Thành (quận 1) cũng cho biết, trong ngày 28/8, không có khách hàng quen nào đả động đến vấn đề vàng giả và cũng không yêu cầu viết hóa đơn. "Có chăng thì chỉ vài khách hàng lạ đến mua đôi ba lượng và yêu cầu viết hóa đơn", chị nói.

Chị Nga, chủ hiệu vàng Kim Nga (quận 1) cho hay, biên lai do tiệm cấp cho khách hàng, trên đó ghi đầy đủ các thông tin về trọng lượng, tuổi vàng, mã số seri miếng vàng, xuất xứ, giá cả, ngày giờ giao dịch, tên nhân viên bán hàng. Thế nhưng, trước giờ khách quen của chị mua hàng chục cây vàng mà chẳng cần giấy biên nhận. Lâu lâu có vài khách lạ đến mua mới đề nghị viết. Nhưng viết cũng chỉ chiếu lệ vì nhiều biên lai chị lười ghi số seri, thay vào đó chỉ ghi tên vàng miếng SJC.

Theo chị Nga, không chỉ khách hàng mua lẻ, ngay cả bản thân các đại lý kinh doanh vàng khi mua bán với nhau cũng hiếm khi nào yêu cầu hóa đơn. "Giờ xuất hiện vàng SJC giả trên thị trường, thời gian tới tôi sẽ cẩn thận hơn và đề nghị bạn hàng ghi hóa đơn", chị Nga chia sẻ.

Sau khi xảy ra hiện tượng vàng SJC bị làm giả, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Nguyễn Thành Long khuyến cáo người dân khi mua vàng nên yêu cầu các đơn vị bán vàng xuất hóa đơn biên nhận, trong đó ghi rõ số seri của miếng vàng để phòng trường hợp sau này có thể khiếu nại. Trường hợp cửa hàng vàng từ chối xuất hóa đơn, người dân có quyền đặt nghi vấn hoặc từ chối mua. Vì điều này không chỉ giúp người mua khi xảy ra sự cố, có thể dựa vào đó chứng minh đã giao dịch với cửa hàng, mà còn giúp cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy tìm ra xuất xứ nguồn gốc của vàng giả.

"Trước giờ người dân tin tưởng vào thương hiệu vàng SJC nên chủ yếu tin vào chữ tín. Nhưng nay tình hình đã khác, người dân cần phải điều chỉnh lại thói quen và cẩn thận hơn", ông Long nói.

Về nguồn gốc sản xuất vàng giả xuất hiện trên thị trường, nhiều doanh nghiệp vàng cho rằng, khó có thể thực hiện trong nước.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận chia sẻ, thường những công ty lớn dập vàng miếng sẽ nhập máy móc thiết bị có công nghệ cao từ nước ngoài. Một máy dập đầu tư rất tốn kém nên việc làm giả trong nước khó xảy ra. Còn nếu là trường hợp nhập giả đưa từ nước ngoài vào thì số lượng vàng phải rất lớn. "PNJ đang tăng cường kiểm soát gắt gao trong quy trình sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi mua vàng nên lấy hóa đơn đầy đủ", bà Cúc nói.

Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu Trần Trọng Quốc Khanh cho biết, hiện nay, với hình thức đóng gói bao bì và sử dụng công nghệ cao, vàng ACB khó có khả năng làm giả. Theo ông Khanh, hiện vàng miếng ACB được ép riêng lẻ từng miếng một nên sự tập trung của người kiểm quỹ chặt chẽ hơn (truyền thống ép vàng của Việt Nam hay ép thành vỉ 10 miếng rất khó phát hiện vàng giả trà trộn vào vỉ). Đồng thời, xung quanh bao bì cũng được ghi rõ ngày sản xuất, tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ... khi khách có bất kỳ thắc mắc gì sẽ ngay lập tức gọi về nhà sản xuất.

Về công nghệ, vàng ACB dùng mã vạch 2D, trong đó cho biết sản phẩm sản xuất ra ngày nào, giờ nào, trọng lượng vàng là bao nhiêu... Tất cả đều được quản lý trong hệ thống. Mã vạch này được đăng ký tại Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam. Đây cũng là một dấu hiệu chống sự làm giả khá tốt. Trên bề mặt miếng vàng, 12 sọc ngang làm biểu tượng vàng là những sọc vô cùng mảnh. Nếu có tổ chức nào đó trong nước muốn làm giả thì 12 vạch đó sẽ bị đứt gãy. Mặt năm ngôi sao, có một ngôi sao đầu tiên được thiết kế rất nhỏ nhằm ngăn chặn khả năng làm giả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ACB cũng sẽ cải tiến tiếp về công nghệ để tránh khả năng bị làm nhái, làm giả.

Còn bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cho rằng, những họa tiết trên miếng vàng SBJ là hình nổi làm theo công nghệ 3D. Để dập được những họa tiết này không dễ. Toàn bộ công nghệ đều được nhập từ châu Âu, với giá rất cao nên trong nước khó có thể nhập về và làm giả. Hiện nay, bên cạnh việc thường xuyên đi thăm dò tình hình ngoài thị trường, SBJ cũng sẽ tăng cường sự hướng dẫn, giúp các đại lý nhận diện rõ thương hiệu vàng SBJ nhằm dễ dàng phát hiện nếu có miếng vàng nào đó bất thường.

Cafeland.vn - Theo Lệ Chi (Vnexpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland