13/11/2024 2:56 PM
Theo đại biểu Quốc hội, để đảm bảo khả thi và tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các đơn vị trong nước phải được chuyển giao công nghệ vận hành, sản xuất.

Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 13/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) kỳ vọng, việc đầu tư tuyến đường sắt này sẽ tạo ra sự kết nối, phát triển lan tỏa trên trục hành lang Bắc – Nam, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về giao thông, logistic; tạo sự kết nối xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Châu Âu, Trung đông, Bắc Á.

Tuy nhiên, ông Cường băn khoăn với đề xuất của Chính phủ, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, còn hàng hóa chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết, trong khi đó, hệ thống đường sắt cũ (khổ 1 mét) nên không thể liên thông với hệ thống đường sắt quốc tế (1,43 mét).

Do đó, đại biểu đề nghị trog nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ đây là tuyến đường sắt lưỡng dụng, vừa vận tải hành khách và vận tải hàng hóa để liên thông quốc tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. Ảnh: Quốc hội

Về phương thức đầu tư, ông Cường cho rằng, rút kinh nghiệm quá trình đầu tư tại 3 tuyến đường sắt đô thị (Hà Nội có 2 tuyến, TP. HCM có 1 tuyến) đều kéo dài chục năm chưa hoàn thành, trong khi đó đường dây 500 kV mạch 3 đã thi công trong thời gian rất ngắn.

“Bí quyết là chúng ta đã làm chủ công nghệ, chúng ta là nhà đầu tư, là nhà thầu. Chúng ta không quan trọng là công nghệ của nước nào nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta, thì mới đảm bảo thời gian hoàn thành và chúng ta sẽ trở thành ngành sản xuất. Nếu tiếp tục mua dự án, sau khi hoàn thành sẽ lệ thuộc vào thiết bị, quá trình vận hành, sửa chữa. Như vậy, trở thành món nợ cho tất cả giai đoạn sau”, ông Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào thị phần đường sắt. Theo tính toán, thị phần đường sắt của Việt Nam khoảng 150 tỷ USD, có đủ khả năng chuyển giao công nghệ.

Do đó đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội quy định theo hướng đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và chúng ta phải làm chủ trong quá trình đầu tư, từ đó sẽ làm chủ trong việc đầu tư hệ thống đường sắt khác mà không cần mua sản phẩm sẵn có.

“Mua sản phẩm sẵn có rẻ hơn, chuyển giao công nghệ đắt hơn, nhưng đắt một lần, sẽ mãi bền vững về sau”, ông nói.

Thống nhất với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ của dự án.

Theo đại biểu Thường, kinh nghiệm triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP,HCM cho thấy rất nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt đô thị, mỗi một dự án sử dụng công nghệ khác nhau.

Vì vậy, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật duy tu, duy trì, khai thác, vận hành vẫn chưa có quy định chung; việc chuyển giao công nghệ mới chỉ dừng ở đào tạo, chuyển giao vận hành tuyến, các trang thiết bị phục vụ khai thác, vận hành hầu hết nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước; trường hợp phải thay thế lại phụ thuộc vào nhà sản xuất cung cấp ở nước ngoài.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.