23/10/2024 8:21 AM
Theo nội dung tờ trình vừa được Chính phủ trình Quốc hội, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng vốn đầu tư hơn 67,3 tỉ đồng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, theo báo Vietnamnet.

Theo đó, Chính phủ đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm). Với tổng chiều dài khoảng 1.541km, 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành.

Chủ trương đầu tư dự án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất, trong đó yêu cầu huy động mọi nguồn lực để triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.

Chính phủ khẳng định phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc “thẳng nhất có thể”.

Về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD).

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 5,9 tỷ USD; chi phí xây dựng 33,2 tỷ USD; thiết bị 11 tỷ USD; quản lý dự án 0,8 tỷ USD; đầu tư xây dựng 3,61 tỷ USD; chi phí khác 0,9 tỷ USD; dự phòng 11,85 tỷ USD.

Theo tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nghiên cứu trong thời gian dài. Hiện nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, nợ công ở mức thấp, khoảng 37% GDP, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027 quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.

Để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.

Trong triển khai, Chính phủ sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư và cần sử dụng nguồn vốn trong nước, tránh phụ thuộc vào các điều kiện ràng buộc các khoản vay vốn ODA.

Trong trường hợp xuất hiện các nhà tài trợ có thể cung cấp các khoản vay có chi phí thấp, ít ràng buộc, Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng nguồn vốn này.

Hiện có hai phương án phân chia dự án thành phần, trong đó phương án một là đầu tư toàn tuyến, không tách dự án thành phần độc lập mà chỉ chia thành 6 hợp phần. Chính phủ đánh giá phương án này có ưu điểm là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án từ hạ tầng đến thiết bị, phương tiện; thuận lợi công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, nhược điểm là cần huy động nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị lớn.

Phương án hai là tuyến đường sắt tốc độ cao chia thành bốn dự án thành phần với bốn đoạn gồm Hà Nội - Vinh (281 km); Vinh - Đà Nẵng (420 km); Đà Nẵng - Nha Trang (480 km); Nha Trang - TP HCM (360 km).

Phương án này được đánh giá sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần. Nhược điểm là xử lý tích hợp đồng bộ công nghệ giữa các dự án thành phần phức tạp. Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ không thuận lợi, nhiều rủi ro do có nhiều nhà thầu với giải pháp kỹ thuật khác nhau.

Vân Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.