Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển đất nước ta.
Cho biết tại Hội nghị lần thứ 10, khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, với quan điểm “bàn làm, không bàn lùi”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình Trung ương, Quốc hội, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất việc huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các dự án.
Yêu cầu “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào, dứt việc đó” và phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”, Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, thúc đẩy triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Bộ Giao thông vận tải đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Theo thống nhất giữa các địa phương và Bộ GTVT, mỗi địa phương có tuyến đường sắt đi qua bố trí 1 ga hành khách, nhưng riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận bố trí 2 ga. Vị trí các ga bảo đảm chạy tàu với tốc độ khai thác tối đa (320km/h) chiếm 70 - 80% chiều dài giữa hai ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2 km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5 km).
Qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, cơ quan liên quan đang tích cực xây dựng các dự án tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc gồm tuyến: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
-
Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.