05/06/2014 2:09 PM
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội đề xuất, với dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, cho phép thỏa thuận với các đơn vị khác để chuyển nhượng lại dự án hoặc liên doanh, liên kết thực hiện.

Ngay giữa trung tâm Hà Nội, vẫn có nhiều dự án để cỏ mọc "tưng bừng" thế này (Chụp tại Khu đô thị Thành Phố Giao lưu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tháng 5/2014). Ảnh: Hà Quang

Sáng 4/6, Đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành pháp luật thực hiện đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2006 đến nay.

Nhiều khu vực phát triển quá “nóng”

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội cho biết, kết quả công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố giai đoạn từ năm 2006 đến nay là 410 dự án, với tổng diện tích giao đất 4.993ha.

Tuy nhiên, dự án phát triển nhà ở tại một số khu vực phát triển quá "nóng", hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không theo kịp, dẫn đến tình trạng dự án không có người mua nhà, hoặc dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng không có người đến ở. Việc thẩm định chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến năng lực triển khai các dự án không đảm bảo, gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả.

Do ảnh hưởng của thị trường bất động sản và tình trạng các nhà đầu tư thiếu năng lực, nhiều dự án chưa thực hiện theo đúng tiến độ được duyệt. Nhiều dự án đầu tư đã được giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, để hoang hóa, một số ô đất sử dụng không đúng mục đích, cho thuê trái phép…

Tình trạng các dự án gặp khó khăn trong công tác thu hồi đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng, thực hiện dở dang, không đưa đất vào triển khai dự án đầu tư theo kế hoạch.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra nguyên nhân do nhiều chủ đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, không đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, quận, huyện, thị xã trong việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; chế tài xử lý còn bất cập.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn giám sát đã quan tâm đến rất nhiều vấn đề liên quan tới các khu đất "vàng" bị bỏ hoang. Các thành viên cũng băn khoăn về việc các chủ đầu tư dự án thực hiện các kết luận thanh tra như thế nào: Có những chủ đầu tư "tay không bắt giặc", chiếm giữ “đất vàng” nhưng không triển khai dự án, liệu Nhà nước đã thu hồi được đất hay chưa?...

Cho phép liên doanh, liên kết

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất của 54 dự án, trong đó có 12 dự án nhà ở với tổng diện tích 1.748ha. Đồng thời, thanh tra các khu đất "vàng" bị bỏ hoang từ nhiều năm và những tiêu cực xung quanh những khu đất này, bao gồm: Khu đất có ký hiệu H - H (khu vành khăn, đối diện Siêu thị Big C), Khu đô thị Nam Trung Yên, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, đất hai bên đường Lê Văn Lương, đất hai bên đường Phạm Hùng, đất hai bên đường Lê Đức Thọ…

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng phù hợp đối với các dự án đã hoàn thành xong giải phóng mặt bằng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nhưng chậm tiến độ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng.

Đối với dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện, cho phép thỏa thuận với các đơn vị khác để chuyển nhượng lại dự án hoặc liên doanh, liên kết thực hiện và phải được chấp thuận của UBND Thành phố.

Đối với các dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa triển khai thực hiện được do chờ quy hoạch, cho phép sử dụng tạm thời vào mục đích khác (có thời hạn), được chấp thuận của UBND Thành phố và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị, và phải thực hiện nộp ngân sách các khoản nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt - Trưởng đoàn giám sát đánh giá: Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố những vấn đề gai góc trong công tác quản lý đất đai. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, lập lại trật tự, kỷ cương trong việc giao đất cho các dự án; đồng thời, tích cực tháo gỡ các vướng mắc cho các chủ đầu tư, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết.

Thái San (KTDT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.