Ngày 10/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự án có điểm đầu tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường tỉnh ĐT.992).
Điểm cuối giao với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 207,26km.
Về phạm vi đầu tư, tổng chiều dài đầu tư khoảng 159,3km; bao gồm: đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 18,2km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 46km. Đoạn qua TP.HCM dài khoảng 20,5km và đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 74,5km.
Riêng đoạn qua tỉnh Bình Dương (chiều dài khoảng 47,9km) đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua chủ trương đầu tư, đang triển khai đầu tư độc lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM
Dự án Vành đai 4 TP.HCM đi qua TP.HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Quy mô đầu tư đường cao tốc, giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ) đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 100km/h, bề rộng nền đường 25,5m.
Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư với quy mô 8 làn xe cao tốc. Tổng bề rộng nền đường (bao gồm đường cao tốc và đường song hành) là 74,5m.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.420ha. Hình thức được Chính phủ đề xuất theo hình thức đầu tư công đối với các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành.
Đầu tư phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đối với các dự án thành phần đầu tư xây dựng phần đường cao tốc.
Dự án được chia làm 2 nhóm, gồm 10 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 120.412 tỷ đồng.
Vốn ngân sách nhà nước hơn 69.780 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương khoảng hơn 29.687 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng hơn 40.092 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động hơn 50.632 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đề xuất thi công xây dựng từ năm 2026 - 2029 (phấn đấu hoàn thành cuối năm 2028).
Đề xuất 7 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
Chính phủ đề xuất 7 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án, trong đó giao chủ tịch UBND TP.HCM và chủ tịch UBND các tỉnh có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần.
Cho phép chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chính phủ kiến nghị dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ dự án Vành đai 4 TP.HCM đáp ứng các tiêu chí thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, ông Mãi nêu Chính phủ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật PPP.
Tuy nhiên, sau khi dẫn lại một số quy định, hướng dẫn của Đảng, thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công, Luật PPP hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 TP.HCM tại đợt 2 kỳ họp thứ 9.
Theo chương trình, ngày 11/6, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, thẩm tra về dự án này.
-
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn trương tìm thêm nguồn cát, đá cho đường Vành đai 3
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tổ vật liệu khẩn trương làm việc với Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre để mở thêm các mỏ cát. Đồng thời nâng công suất khai thác các mỏ hiện có để đảm bảo đủ lượng cát xây dựng đúng tiến độ dự án.
-
Bổ sung chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM vào chương trình kỳ họp thứ 9
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chủ trương đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM đã được đưa vào chương trình dự kiến đợt 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, bắt đầu từ ngày 11-6 tới đây.
-
Chốt ngày khởi công đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương
UBND tỉnh Bình Dương chính thức ấn định ngày 31/5 sẽ khởi công đoạn đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua địa bàn tỉnh.








-
Chính thức thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường dài nhất Đông Nam Bộ
Dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 207km (đoạn qua Bình Dương 48km đang làm riêng), với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 hơn 120.000 tỷ đồng. Đây là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay....
-
Thêm một khu tái định cư với vốn đầu tư gần 6.700 tỉ đồng khởi công
Sáng 15/9, khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên địa bàn xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) có tổng mức đầu tư 6.656 tỉ đồng đã được khởi công.
-
Nguồn vật liệu thi công Vành đai 4 vùng Thủ đô đang gặp khó khăn, vướng mắc ra sao?
Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển.