23/06/2014 2:53 PM
CafeLand - Gần đây, số lượng dân nhập cư là du học sinh từ các quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc, Singapore và Việt Nam... đổ về New South Wales, Úc mua nhà gần như tăng gấp đôi. Lí do là luật sở hữu bất động sản mới có hiệu lực của Úc tuy siết chặt hơn với nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại rộng cửa với du học sinh.

New South Wales (viết tắt NSW) nằm ở phía đông nam nước Úc là bang đông dân nhất nước này. Tại đây tập trung nhiều trường đại học hàng đầu trong cả nước như đại học New South Wales, Sydney, Western Sydney và Macquarie. Theo Bộ giáo dục Úc, hiện có hơn 200.000 sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế đang theo học tại bang New South Wales. Số lượng dân cư mới này tác động rất lớn đến thị trường nhà đất của bang.

Noel Nicholson, chủ công ty môi giới bất động sản LJ Hooker Palm Beach, có trụ ở Sydney cho biết giá nhà tại New South Wales, Úc hiện đang đi theo một đường thẳng tắp hướng lên phía trước với tốc độ kỷ lục trong lúc lãi suất ngân hàng vẫn không thay đổi. Đặc biệt, giá nhà tại Sydney - thành phố lớn nhất và cũng là thủ phủ của bang New South Wales đã tăng đến 15,6%.

Hiện tại, giá nhà trung bình ở bên ngoài thủ phủ (vùng nông thôn Úc) là 347.500 USD. Trong khi đó, giá trong thủ phủ thì tùy từng vị trí, có thể dao động từ 500.000 USD đến vài triệu USD. Mức giá này đắt hơn 40 % giá tại các thành phố chật chội ở Tây Âu (Anh, Pháp, Ireland) và đắt hơn giá nhà ở Mỹ....85%.

Giá của một căn nhà có 3 phòng ngủ với 1 nhà để xe và 1 sân sau, ở Eastwood, cách trung tâm thành phố Sydney 17 km về phía tây bắc được bán với giá trên 1.000. 000 USD. Ảnh: Bloomberg News.

John McGrath, giám đốc điều hành của đại lý bất động sản McGrath tại Sydney giải thích rằng "Trước đây, nhu cầu mua nhà của du học sinh tại bang New South

Wales cũng như toàn nước Úc tương đương bây giờ nhưng chưa nhiều người dám đầu tư mà chỉ đi thuê theo dạng homestay (sinh hoạt cùng gia đình người bản xứ). Nhưng từ khi luật mới sửa đổi một số điều về sở hữu nước ngoài đối với bất động sản của du học sinh được thông qua, các nhà đầu tư châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc mua nhà cho con học tại Úc đã vượt qua người bản địa. Nhiều người cho rằng những gia đình giàu có Trung Quốc đang đầu cơ nhà đất ở Úc vì nhiều ngôi nhà được mua không hề có người ở".

Các nhà đầu tư châu Á mua nhà cho con học tại Úc đã vượt qua người bản địa. Ảnh: NYT

Dẫn chứng những điều trên, John McGrath cho biết năm 2010, chính phủ Úc đã nhận thấy sự nghiêm trọng của việc "mở" quá tay cho người nước ngoài sở hữu bất động sản dẫn đến giá nhà nội địa vượt quá thu nhập của người dân. Do vậy, chính phủ đã thi hành một số chính sách nhằm làm mát thị trường. Động thái rõ rệt nhất là ngày 25/4/2010, Úc ra luật siết chặt quy định người nước ngoài mua bất động sản.

Theo đó, người nước ngoài tạm trú tại Úc khi mua bất động sản sẽ phải có giấy phép của Ủy ban thẩm định đầu tư nước ngoài (FIRB) và phải bán lại bất động sản khi rời khỏi Úc. Người nước ngoài mua đất trong 2 năm không xây nhà hoặc xây nhà nhưng không sống ở Úc, chính phủ cũng có quyền buộc bán lại bất động sản.

Với du học sinh, ngoài những quy định trên còn phải tuân thủ việc chỉ được phép mua nhà mới xây (new drewlling) có giá trị dưới 300.000 USD. Nếu muốn mua nhà đã qua sử dụng (second hand) thì phải tuân thủ một số điều kiện bắt buộc như: trên 18 tuổi; visa còn giá trị trong vòng một năm; căn nhà họ mua không được phép cho thuê mà chỉ được sử dụng vào mục đích ở; sau khi visa hết hạn thì căn nhà phải được bán đi.

Thế nhưng, đầu tháng 3/2014, để phát triển ngành công nghiệp giáo dục hàng năm thu về nhiều tỷ đô la, Úc mở rộng luật với du học sinh. Theo luật mới, du học sinh được phép mua nhà tại Úc mà không bị giới hạn về giá trị căn nhà.

Hiện nay, du học sinh không cần phải xin giấy phép mua nhà từ FIRB nếu visa còn giá trị trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, du học sinh cũng được phép mua đất (vacant land) nhưng thời gian xin giấy phép mua đất có thể kéo dài tới cả năm.

Một thay đổi khác hết sức đáng ngạc nhiên nữa trong luật mới là các ngân hàng đã cho phép du học sinh vay tiền mua nhà và khoản vay có giá trị tối đa từ 75-80% giá trị căn nhà. Mặc dù để vay được tiền, sinh viên không cần phải có việc làm ổn định nhưng bố mẹ họ phải đứng ra bảo lãnh để đảm bảo việc trả nợ hàng tháng được kịp thời, đầy đủ. Trong trường hợp này, bố mẹ của họ mới là đối tượng phải chứng minh tài chính.

Tuy nhiên, sinh viên quốc tế không được hưởng khoản tiền trợ cấp mua căn nhà đầu tiên dành cho công dân Úc của chính phủ trị giá 16.000-32.000 USD. Họ cũng phải đóng thuế khi mua nhà và phải trả các khoản phí hàng năm giống như công dân Úc.

Tâm An (NYT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.