Được tiếp sức bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, hoạt động đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc đang “nóng lên” từng ngày, đặc biệt ở các thành phố lớn với tốc độ tăng 36,4% hàng năm trong 9 tháng đầu năm nay.
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn nóng lên từng ngày (Ảnh: Internet)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2010 của Trung Quốc tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ “thần kỳ” này đã tạo nên một “sức hút mạnh mẽ” đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn toàn cầu đang hồi phục, giá tiêu dùng và bất động sản tăng mạnh.

Ở vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố Thượng Hải 30 phút đi ô tô, các văn phòng và căn hộ hạng sang đang mọc lên như nấm. Một nhân viên công ty bất động sản có trụ sở ở Singapore cho biết: “Hơn một nửa khách hàng của chúng tôi đều trả tiền một lần. Nhiều người trong số họ là những doanh nhân”. Giá một căn hộ cao cấp mà công ty này rao bán ở ngoại ô Thượng Hải rẻ nhất cũng ở mức 9 triệu nhân dân tệ (NDT - tương đương 112 triệu yên hoặc 1,35 triệu USD). Căn hộ cao cấp có diện tích 170 m2, có 3 phòng ngủ, mặt sàn sưởi ấm và bếp ăn được thiết kế theo tiêu chuẩn Đức. Kể từ khi bắt đầu rao bán ngày 10/10, hơn 80% trên tổng số 170 căn hộ cao cấp loại này đã được bán sạch trong vòng 9 ngày.

Theo Công ty địa ốc Centaline - một “đại gia” bất động sản có máu mặt ở Trung Quốc, giá trung bình một căn hộ ở Thượng Hải vào khoảng 21.000 NDT/m2, gấp đôi mức giá năm 2007. Ở trung tâm Thượng Hải, giá cả còn “khủng” hơn vì người mua phải chi ít nhất 50.000 NDT cho 1 mét vuông căn hộ cao cấp vừa xây xong.

Thế nhưng, theo Centaline, phần lớn bất động sản đã “ráo sàn” ngay trong ngày niêm yết đầu tiên. Ông Tống Hội Ung, Giám đốc nghiên cứu thuộc công ty Centaline, cho biết: “Vào thời điểm này, một tài khoản ngân hàng thông thường chỉ thu được lãi suất 0,5% một năm trong khi giá tiêu dùng thì tăng vọt. Lẽ dĩ nhiên là người ta sẽ đầu tư vào bất động sản, loại tài sản có tính ổn định hơn so với chứng khoán”. Ông Tống cho biết mặc dù Bắc Kinh đã thực thi các biện pháp kiềm chế thị trường bất động sản, nhưng các biện pháp trên đã không giúp đẩy giá bất động sản xuống mức có thể chấp nhận được.

Do tác động phức hợp giữa “cơn sốt bất động sản” và các quỹ đầu cơ, giá bất động sản ở Trung Quốc vẫn luôn cao ngất ngưởng. Giá tiêu dùng cũng ở trong tình trạng tương tự. Hồi tháng Chín, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp CPI tăng cao hơn so với mục tiêu 3% mà Bắc Kinh đề ra. Nhiều người cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng lãi suất để dự phòng đồng NDT tăng giá trong bối cảnh thặng dư thương mại của Trung Quốc vẫn ở mức cao, đầu tư nước ngoài tiếp tục ùn ùn đổ vào. Trong khi đó, cơn sốt xe hơi ở Trung Quốc cũng đang đến hồi gay cấn, khiến hoạt động tiêu dùng trong dân không kém phần sôi động. Cùng với xuất khẩu, đầu tư vào khu vực công cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh.

Với những chính sách khuyến khích mang tầm vĩ mô của Bắc Kinh, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trên các trang đầu tư cả trong và ngoài Trung Quốc. Xem ra, “cơn sốt bất động sản” tại các thành phố lớn của Trung Quốc chưa đến hồi hạ nhiệt.
Cafeland.vn - Theo Tamnhin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland