05/02/2021 10:35 AM
CafeLand - Trong báo cáo Khảo sát đầu tư tư nhân Việt Nam năm 2020 Grant Thornton, trong nửa đầu năm 2020 hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn diễn ra sôi động, trái ngược với tình hình ảm đạm tại hàng loạt các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia.

Theo Grant Thornton, Việt Nam đứng sau Malaysia trong năm 2019 nhưng sau đó đã vượt lên trong nửa đầu năm 2020, từ vị trí thứ 4 lên vị trí thứ 3 và là quốc gia duy nhất có xu hướng gia tăng hoạt động mua bán đầu tư bất chấp đại dịch. Thái Lan và Philippines vẫn ở vị trí cuối cùng trong xếp hạng hoạt động mua bán. Đáng chú ý, thị trường Philippines đã không ghi nhận bất cứ một giao dịch nào trong năm 2020.

“Giữa sự hỗn loạn và bất ổn của đại dịch Covid19, thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam tiếp tục đạt được đỉnh cao mới về số lượng giao dịch trong năm 2020, với tổng số 59 giao dịch. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ là 1.142 triệu USD không tăng nhiều so với 2019”, báo cáo của Grant Thornton có đoạn viết.

Các khoản đầu tư có xu hướng chảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch vụ, ví dụ: đặt lịch và tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến, thương mại điện tử, nền tảng nhân sự và tuyển dụng...

Công nghệ tiếp tục đà phát triển với số thương vụ cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, quy mô thương vụ vẫn khiêm tốn, cho thấy hầu hết các khoản đầu tư đều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam.

Các công ty bán lẻ và dịch vụ liên quan mật thiết với các giải pháp công nghệ đột phá cũng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như khoản đầu tư 100 triệu USD từ Warburg Pincus vào Momo - ví điện tử với 20 triệu người dùng - vào năm 2019 và giao dịch trị giá 130 triệu USD từ Northstar Group vào Tiki - một trong 3 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Vingroup tiếp tục giữ kỷ lục về giá trị thương vụ lớn nhất, với 500 triệu USD từ GIC vào Vincommerce (bán lẻ) vào năm 2019 và 650 triệu USD từ KKR và Temasek vào Vinhomes (bất động sản) vào năm 2020.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng có xu hướng tăng đáng chú ý. Hai quỹ đầu tư danh tiếng tại Việt Nam - Mekong Capital và VinaCapital nhanh chóng thâm nhập vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe & dược phẩm với lần lượt 31,8 triệu USD vào Pharmacity và 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Thu Cúc.

Khảo sát của Grant Thornton cũng chỉ ra những nhóm ngành hấp dẫn nhất trong 12 tháng tới. Dẫn đầu là ngành vận tải và giao nhận, tiếp đến là các lĩnh vực như: giáo dục, năng lượng xanh/tái tạo, công nghệ và Fintech, y tế và dược phẩm. Các nhóm ngành khác như: khách sạn & giải trí, bất động sản cũng được đánh giá hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Còn ở chiều ngược lại – thoái vốn, theo khảo sát, hình thức bán lại cho nhà đầu tư ngành là chiến lược thoái vốn được ưu tiên nhất vì quy trình đơn giản nhất và nhanh nhất.

Trong khi đó, hình thức bán vốn lần đầu ra công chúng (IPO) đã vượt qua bán lại cho quỹ đầu tư khác để trở thành chiến lược thoái vốn được ưu tiên thứ hai. Điều này được cho là do thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng sẽ được MSCI nâng hạng từ “cận biên” lên “mới nổi”. Thêm vào đó, việc bán lại cho các quỹ nước ngoài bị cản trở bởi rào cản Covid-19 nhưng IPO thì không.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.