Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025
Đầu tư công – “đầu kéo” của tăng trưởng
Báo cáo cho thấy, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt để đạt được mục tiêu kinh tế trong năm. Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách đạt 268.100 tỷ đồng, tăng tới 42,3% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 30% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, tháng 6/2025, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương chủ động hơn trong triển khai đầu tư công.
Tính đến nay, 16 tuyến cao tốc mới đã hoàn thành, nâng tổng chiều dài mạng lưới lên 2.268 km. Cùng với đó, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và hàng chục dự án trọng điểm khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thủ tướng trong tháng 5/025 đã yêu cầu các bộ, ban ngành và địa phương giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công trong năm 2025, ước khoảng 630.000 tỷ đồng chỉ trong nửa cuối năm, nhằm tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Đầu tư tư nhân – động lực đang “được mở khóa”
Song song với đầu tư công, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Vốn đầu tư tư nhân trong quý 2/2025 đạt 493.100 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, mức cao nhất từng ghi nhận trong quý 2.
Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân và 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách và sử dụng tới 82% lực lượng lao động. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI, khi tỷ trọng xuất khẩu nội địa liên tục giảm.
Để tháo gỡ nút thắt, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tốt hơn các nguồn lực như đất đai, tài chính, công nghệ và hạ tầng.
Dự báo GDP tăng 7,9% - 8,1% trong năm 2025
GDP Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, đạt mức 7,9% – 8,1%, theo MBS. Động lực chính đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sự hồi phục rõ rệt của đầu tư tư nhân.
MBS đánh giá, đà tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm sẽ tiếp tục được duy trì bền vững, nhờ các cú hích từ chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất duy trì ở mức thấp, cùng sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Điểm tích cực là bội thu ngân sách trong nửa đầu năm đang tạo dư địa tài khóa lớn, giúp Chính phủ có thể triển khai thêm các gói hỗ trợ kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ kiên trì hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy và chuyển đổi mô hình phát triển được đánh giá sẽ mở rộng không gian tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Dù còn nhiều yếu tố không chắc chắn, nhưng với nền tảng vĩ mô ổn định, định hướng chính sách rõ ràng và động lực tăng trưởng mới từ đầu tư công – tư nhân, kinh tế Việt Nam trong năm 2025 vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế là một trong những điểm sáng nổi bật của khu vực.
-
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
-
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025, theo Cục Thống kê.
-
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cho năm 2025 bất chấp thuế quan của ông Trump
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm 2025, làm dấy lên kỳ vọng các nhà lãnh đạo của nước này sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn khi họ đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ.





