04/05/2020 7:30 AM
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai sẽ dành ra khoảng 374 triệu USD để xây dựng các nhà máy, công trình xử lý nước thải, các dự án thoát nước cho các khu đô thị và khu dân cư để bảo vệ môi trường. Các công trình, dự án nói trên sẽ được chia ra đầu tư trong 2-5 năm.

Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt TP.Biên Hòa giai đoạn 1. Ảnh: H. Giang

Đa số các dự án xử lý nước thải, thoát nước tránh ngập úng cho đô thị do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư. Kinh phí để thực hiện các dự án sẽ được dùng từ nguồn vốn ngân sách cấp huyện, tỉnh, trung ương và từ vốn ODA.

Nhiều vướng mắc do thủ tục

Là địa phương luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu nên Đồng Nai đã sớm xây dựng quy hoạch và ưu tiên nguồn vốn để triển khai 12 dự án xử lý nước thải, thoát nước cho các khu đô thị. Mục tiêu là nhằm xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường, đồng thời xử lý tốt hệ thống thoát nước, chống ngập úng cho khu vực đô thị, khu dân cư.

Trong tương lai, Đồng Nai sẽ có 5 thành phố là: Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành. Đây sẽ là những khu vực tập trung đông dân cư, vì thế tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình xử lý nước thải, thoát nước, góp phần xây dựng đô thị xanh.

Các dự án trên đều được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và cả trong giai đoạn tới. Riêng năm 2020, UBND tỉnh sẽ dành ra khoảng 313 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để giải ngân cho các dự án xử lý nước thải, công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Một số dự án có tổng nguồn vốn đầu tư lớn có thể kể đến gồm: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa với số vốn hơn 6,6 ngàn tỷ đồng; Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong nằm trên địa bàn H.Long Thành và TP.Biên Hòa gần 585 tỷ đồng; dự án Chống ngập úng Suối Cải thuộc TP.Long Khánh 335 tỷ đồng; Tuyến thoát nước dải cây xanh H.Nhơn Trạch hơn 310 tỷ đồng; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở TT.Long Thành 107 tỷ đồng; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom gần 100 tỷ đồng...

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Trần Văn Thanh cho rằng, các dự án xử lý nước thải, thoát nước triển khai chậm chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khó khăn ở khâu hồ sơ, thủ tục và khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng nguồn vốn bố trí cho các dự án đang triển khai theo từng năm thì không thiếu.

“Dự án Xử lý nước thải TP.Biên Hòa được thực hiện bằng nguồn vốn ODA thông qua tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và năm 2020 được bố trí khoảng 161 tỷ đồng. Song thực tế là nguồn vốn trên khó giải ngân đúng tiến độ vì hiện nay dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục, hồ sơ ở một số điểm với phía JICA. Trong đó, quan trọng nhất là phải chuẩn bị đủ hồ sơ chứng minh dự án này không bị ảnh hưởng bởi việc xử lý dioxin từ sân bay Biên Hòa” - ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, một số dự án khác như: Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở TT.Long Thành; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom; dự án chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan... hồ sơ bị ách lại vì Chính phủ ban hành quy định mới về đơn giá xây dựng, đơn giá đất bồi thường và chủ đầu tư buộc tạm dừng dự án, đợi điều chỉnh xong hồ sơ cho phù hợp mới tiếp tục triển khai.

Thúc đẩy các dự án triển khai nhanh

Xử lý nước thải đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng được các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh rất quan tâm vì đây cũng là tiêu chí trong nâng cấp đô thị.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay: “Thành phố phụ trách khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 2 dự án xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn. Hiện khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, chỉ vướng về hồ sơ xây dựng dẫn đến tiến độ thi công bị chậm lại. TP.Biên Hòa đã đề xuất chủ đầu tư giải quyết nhanh khó khăn, để dự án sớm đưa vào khai thác đảm bảo yêu cầu đô thị loại I”.

Trước đây, UBND tỉnh dự tính đầu tư hệ thống xử lý nước thải, thoát nước cho một số khu đô thị tại Đồng Nai bằng nguồn vốn BT (xây dựng - chuyển giao). Đầu năm 2018, Chính phủ tạm ngưng các dự án BT, UBND tỉnh đã chuyển qua đầu tư công, mỗi năm đều bố trí vài trăm tỷ đồng để thực hiện các dự án.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, tỉnh thường xuyên làm việc với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư về dự án đầu tư công để kịp thời điều chỉnh vốn các dự án, công trình cho phù hợp. Các dự án không giải ngân hết nguồn vốn được bố trí trong năm sẽ được điều chỉnh sang những dự án khác có nhu cầu giải ngân vốn lớn hơn kế hoạch. Do đó, các dự án, công trình xử lý nước thải, thoát nước trên địa bạn tỉnh nếu triển khai nhanh, cần nhiều vốn hơn kế hoạch được giao từ đầu năm 2020, sẽ được bố trí thêm.

Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang chia sẻ: “Long Khánh rất muốn dự án xử lý nước thải đô thị sớm được triển khai để bảo vệ môi trường. Thành phố đã quy hoạch sử dụng đất cho dự án, nhưng dự án đang trong quá trình chờ vốn ODA từ Hàn Quốc”.

Các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch cho hay, khi các công trình hoàn thành hồ sơ, địa phương triển khai nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để dự án xử lý nước thải, thoát nước được xây dựng kịp thời đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị.

Hương Giang (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.