Thị trường bất động sản Tp.HCM chắc chắn sẽ là một tấm gương để các nhà đầu tư Hà Nội soi vào.
Hàng trăm người đã chấp nhận đứng suốt buổi chỉ mong “nghe ngóng” được những ý
kiến bình luận, những dự báo của các chuyên gia, nhà quản lý về viễn cảnh thị
trường bất động sản năm nay và trong vài năm tới sẽ theo chiều nào.
Trong câu chuyện với nhà đầu tư đến tham dự diễn đàn trên, biết rằng, ngoài
chuyện đến diễn đàn để “hóng hớt”, mục đích của một bộ phận không nhỏ là tìm khách
đẩy hàng. Những câu chuyện về ôm đất Ba Vì từ hai năm về trước hay căn hộ nọ,
dự án kia... lần lượt được các nhà đầu tư dùng để minh họa cho một năm, thậm
chí một chu kỳ làm ăn thất bát của mình.
“Tôi không mua đất tận Ba Vì mà chỉ mua ở Tiến Xuân, Phú Cát thuộc huyện Thạch
Thất năm 2009 với 3 tỷ đồng, đúng vào lúc đất khu này đang sốt. Sau 2 năm giờ
bán được 3,2 tỷ, lãi không hơn so với gửi ngân hàng hay đầu tư vào các doanh
nghiệp sản xuất, đó là chưa kể đến bỏ bao nhiêu công sức mua bán, mời chào, dẫn
khách xem đất ròng rã ngót năm trời mới đẩy đi được”, một nhà đầu tư tên Ninh
chia sẻ.
Nhưng trong số tụm năm tụm ba tại hội thảo hôm đó, không nhiều người may mắn đã
đẩy được hàng đi như nhà đầu tư trên. Chính vì vậy, mục đích số một của họ đến
hội thảo là mong tìm được khách hàng để chào bán “cục nợ” của mình. Và ngay cả
khi dự báo về thị trường bất động sản về lâu dài “vẫn đầy triển vọng” được các
chuyên gia đưa ra cũng không khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và dám
“chịu nhiệt” để ôm hàng.
Cùng ngày, tại một sàn giao dịch bất động sản lớn trên đường Khuất Duy Tiến, người
viết dễ dàng bắt gặp rất một số người có trên tay cả một tập giấy tờ ghi đầy đủ
thông tin về số căn hộ, diện tích, số tầng và giá bán, để phát miễn phí cho
những ai đi vào sàn.
Theo một cò “thứ cấp” cho hay, hầu hết trong số mời chào trên là nhà đầu tư sừng
sỏ. Họ có trong tay cả chục căn hộ, mảnh đất có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều
người, từ cao đến thấp, từ to đến nhỏ, từ nhiều tiền đến ít tiền...
Chỉ có điều, dường như đây là lần đầu tiên và cũng là việc làm “bất đắc dĩ” của
các đầu nậu này bởi từ trước đến nay, hầu như họ không có khái niệm mời chào,
chèo kéo khách hàng trong lĩnh vực đất cát, cò trên cho hay.
“Anh cứ cầm lấy, không mua thì giới thiệu cho bạn bè, người thân. Hoàn toàn không
lấy chênh giá, chỉ cần trả phí chuyển nhượng hợp đồng thôi”, một nhà đầu tư vừa
nói vừa đưa cho người viết tờ giấy A4 ghi đầy đủ thông tin, giá cả của gần chục
căn hộ tại một dự án thuộc khu đô thị Dương Nội.
Sự “nóng ruột” vì ôm hàng của giới đầu tư bất động sản lúc này, có lẽ được thể hiện
rõ nhất, sau khi người viết đã để lại số điện thoại sau mỗi lần khảo sát. Ngay
hôm sau, vài hôm, cả tuần, thậm chí cả tháng, người viết đã phải “chịu trận”
khi anh A, anh B, anh C.... liên tiếp gọi điện, chỉ với một câu hỏi giống nhau
đến lạ thường “anh quyết định mua chưa, tôi sẽ giảm giá cho”.
Về lý thuyết, giới đầu tư bất động sản Hà Nội chưa phải nóng vội đẩy hàng hay
xuống giá các sản phẩm của mình. Bởi lẽ, Hà Nội được đánh giá là địa phương có
tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Do đó, câu chuyện “tấc đất tấc vàng” sẽ
khó mà trở nên lỗi thời đối với người dân Hà thành. Đó là chưa nói đến 1/2 dân
số tại đô thị này là giới trẻ, đang có nhu cầu về nhà ở. Nhưng, theo lời một
nhà đầu tư, những thống kê trên chỉ có ý nghĩa cho những dự báo mang tính dài
hạn.
Còn trong ngắn hạn, trung hạn, đặc biệt là từ nay cho đến khi quy hoạch chung
Thủ đô được thông qua, việc sốt sắng ôm đất tại Hà Nội cũng không khác việc
“nhắm mắt làm liều” là mấy.
Còn với phân khúc căn hộ chung cư, đến thời điểm này vẫn có hai luồng ý kiến
trái chiều. Một cho rằng, khi mà có đến 7 triệu người dân Việt Nam đang gặp khó
khăn về nhà ở thì nguồn cung dự kiến như trên cũng chưa “thấm tháp” vào đâu.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, trong tương lai gần phân khúc này sẽ rơi vào
trạng thái bão hòa khi mà nhà nhà, người người, doanh nghiệp làm dự án, xây
chung cư với số sơ bộ cũng lên đến gần 600 dự án.
Thế nên, với những ai đang trót “ôm” căn hộ mới hiểu được rằng, họ đang như ngồi
trên đống lửa, chí ít cũng xao động tâm lý vì số tiền bỏ ra phần đa đều không
dưới bạc tỷ.
Có nhà đầu tư phân tích: một yếu tố quan trọng khiến giới đầu tư tại Hà Nội
trong thời gian qua liên tiếp tìm cách “đẩy hàng” là vì họ đã biết nhìn sang...
nhà hàng xóm. Không đâu khác, đó chính là thị trường Tp.HCM. Vài ba năm về
trước, giới đầu tư địa ốc tại đây cũng từng là “thượng đế”, từng làm mưa làm
gió không kém đất Bắc, bỏ túi vài tỷ đồng sau mỗi thương vụ là chuyện dễ như
không.
Giờ thì mọi chuyện đã khác, nhà đất Tp.HCM đồng loạt rớt giá, các dự án chung
cư, đất nền phân lô ế chỏng ế chơ dù chủ đầu tư đã tung những chiêu khuyến mại
siêu khủng. Lý do là bởi tín dụng bất động sản bị thắt chặt, nhà đầu tư khát
vốn nên đành phải đẩy hàng, cắt lỗ...
Song, yếu tố then chốt hơn, đó chính là sự mở rộng quy hoạch, phát triển mạnh mẽ
của thành phố ra hầu khắp các khu vực ngoại thành. Do vậy mà nguồn cung về đất
đai trở nên dồi dào hơn. Những điều đó không phải là giới đầu tư tại Hà Nội
không biết.
Do vậy, khi mà khá nhiều cây cầu, con đường nối các khu ngoại thành rục rịch
được chính quyền Hà Nội triển khai, cộng với quy hoạch chung Thủ đô vẫn chưa
được thông qua, giới đầu tư Hà Nội đã mường tượng ra rằng, những khoản siêu lợi
nhuận từ một căn hộ, một mảnh đất nào đó giờ đã khó “nhằn” hơn so với vài năm
về trước.
tag: dau tu bat dong san, dien dan, toan canh bat dong san,...