01/11/2010 8:44 AM
(CafeLand) Trong khi thị trường bất động sản đang chuyển hướng theo phân khúc “bất động sản xanh” thì hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp cũng đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu quyết định đầu tư vào phân khúc này thì các doanh nghiệp cần có cái nhìn thấu đáo hơn.

Cơ hội để đầu tư

Tại TP.HCM, trong những năm gần đây, nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi, kho lạnh không ngừng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có ý định đầu tư dài hạn tại TP.HCM và mở rộng sang các khu vực lân cân.

Hiện cả nước có 228 khu công nghiệp được thành lập trên 56/63 tỉnh thành với tổng diện tích khoảng 58.434 ha. Trong đó có 145 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, 83 KCN đang đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Riêng vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung khá nhiều KCN quy mô lớn như Đồng Nai (28 KCN), Bình Dương (27 KCN) và TP.HCM (16 KCN). Ngoài ra, cả nước còn có 14 khu kinh tế đã được thành lập với tổng diện tích gần 630.000 ha, tập trung chủ yếu tại miền Trung (10 khu), miền Bắc (2 khu) và miền Nam (2 khu).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2015, dự kiến sẽ xây dựng thêm 113 KCN và cải tạo, mở rộng ít nhất 27 KCN hiện hữu.

Với nhu cầu tăng lên, nhiều khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục phát triển mở rộng quy mô thì phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp được xem là kênh đâu tư đầy tiềm năng.

Thu hút nhà đầu tư cần đẩy mạnh cơ sở hạ tầng. (Ảnh minh họa)

Nhà đầu tư “núp bóng”

Trong khi nhu cầu nhà xưởng, kho hàng, bãi chứa đang tăng mạnh thì thì nhiều KCN đã mở ra nhưng sau nhiều năm kêu gọi vẫn thiếu bóng nhà đầu tư.

Điển hình là KCN Tân Phú được xây dựng năm 2005, rộng 54 ha do Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Ngay thời điểm tiến hành xây dựng, UBND huyện và Công ty Tín Nghĩa đã kêu gọi nhà đầu tư. Thế nhưng, chỉ có một vài doanh nghiệp (DN) tìm đến thăm dò và cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào, trừ dự án xây dựng kho hàng của chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa.

Tại KCN Định Quán với diện tích là 54 hécta hiện đã có 14 nhà đầu tư đăng ký thuê đất nhưng chỉ mới 6 dự án đi vào hoạt động. Lâm vào tình cảnh tương tự, KCN Xuân Lộc rộng 109 hécta dù đã hoàn chỉnh hệ thống giao thông, điện, đường cấp thoát nước nhưng qua 3 năm kêu gọi cũng chỉ mới thu hút được 2 nhà đầu tư.

Phần lớn nguyên nhân việc vắng bóng các nhà đầu tư vào các KCN này là do kém lợi thế về hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội. Riêng các KCN Nhơn Trạch VI, Long Khánh, Dầu Giây, Giang Điền chưa thu hút được nhà đầu tư vì đang trong giai đoạn bồi thường và xây dựng hạ tầng.

Nhiều chủ đầu tư cho biết đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế nên chưa thể triển khai hoạt động. Điều này khiến nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng khó khăn theo.

Ông Marc Townsend cho rằng, giới đầu tư Việt Nam vẫn chưa nhận ra điểm then chốt trong đầu tư bất động sản công nghiệp. Thực tế là tại các địa phương có nhiều KCN như Đồng Nai, Bình Dương thì vấn đề môi trường sống lại không được chú tâm đến. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây phải dành khá nhiều thời gian để di chuyển từ TP.HCM đến nơi làm việc.

Theo phòng phân tích CafeLand, những ai có ý định đầu tư bất động sản công nghiệp cần phải tìm hiểu kĩ càng về nhu cầu thị trường và điều kiện thuận lợi tại địa điểm dự định đầu tư. Các dịch vụ hậu cần như: Nhà xưởng, kho bãi, kho ngoại quan, kho lạnh tích hợp, vận chuyển,… Chính những dịch vụ này sẽ góp phần nâng giá trị cho KCN, thu hút nhiều khách hàng hơn và tạo thuận lợi cho nhà khai thác KCN có thể cạnh tranh về giá cho thuê so với các KCN khác.

Bên cạnh đó, các yếu tố về cơ sở hạ tầng giao thông như đường sá, cầu cảng,... cũng phải được chú trọng vì nó có tác động rất lớn đến sự thu hút của các nhà đầu tư.

Tường Vi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland