Tăng cung qua đấu thầu sẽ giúp ổn định thị trường vàng, từ đó tác động lan tỏa cho thị trường ngoại tệ hạ nhiệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước chia sẻ quan điểm.

- Ông nhìn nhận như thế nào về những bất thường của giá vàng, đôla kể từ khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông?

- Đây là phản ứng tâm lý dễ hiểu của các thành phần trên thị trường chứ không phải tự nhiên tỷ giá chợ đen hay trên thị trường liên ngân hàng tăng như vậy. Vàng, ngoại tệ rất nhạy cảm với biến động kinh tế, chính trị. Không riêng Việt Nam, cả thế giới cũng vậy, khi có những bất ổn người ta thường tìm đến trú ngụ vào một loại tài sản như thế.

Ông Trương Văn Phước cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên đấu thầu vàng trở lại. Ảnh: Thanh Lan.

- Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên tranh thủ bán vàng và hết sức thận trọng nếu muốn mua vào khi thị trường đang biến động. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông có lời khuyên nào cho người dân?

- Tôi sẽ không đưa ra lời khuyên nên bán hay nên mua lúc này. Nhưng tôi tin, một khi nhà quản lý chính sách nói vậy thì có nghĩa họ đã phát ra tín hiệu bảo hiểm cho thị trường. Tức là bằng cách này hay cách khác, họ chắc chắn sẽ can thiệp để thị trường ổn định.

- Ngân hàng Nhà nước đã hai lần phát đi thông điệp khẳng định thị trường tiền tệ, ngoại tệ cũng như vàng vẫn ổn định và họ có đủ biện pháp sẵn sàng can thiệp khi cần. Ông nghĩ sao về những phản ứng liên tiếp lần này của nhà điều hành?

- Cách phản ứng như vậy của Ngân hàng Nhà nước rất kịp thời, tốt hơn nhiều so với trước đây. Nó thể hiện cơ quan quản lý đã có sự đối thoại với thị trường. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ họ đủ lực, công cụ để thực hiện cam kết này hiệu quả.

Tuy nhiên, trước một hiện tượng tâm lý trong hoạt động tài chính như thế này, đôi khi chỉ can thiệp bằng lời nói chưa đủ liều lượng mà cần một lực lượng vật chất đi kèm. “Lực lượng vật chất” tôi muốn nói ở đây là Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một hành động can thiệp cụ thể hơn.

- Vậy can thiệp cụ thể theo ông là gì?

- Riêng trong những biến động vừa qua, tôi cho rằng vàng đóng vai trò quan trọng hơn so với tỷ giá. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng trở lại đấu thầu, bán vàng can thiệp thị trường. Khi đó, cung sẽ tăng, đảm bảo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm, thị trường sẽ ổn định. Rồi từ đó, sẽ tác động tâm lý lan tỏa sang ngoại tệ và tỷ giá sẽ rớt xuống.

Với mức dự trữ ngoại tệ lớn như công bố khoảng 35 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đủ sức bán ngoại tệ ra để can thiệp thị trường. Nhưng tôi tin không cần phải làm vậy bởi nếu thị trường vàng được can thiệp sớm thì tỷ giá cũng đã giảm rồi.

- Đầu năm, Thống đốc đưa ra cam kết tỷ giá nếu điều chỉnh cũng sẽ chỉ khoảng 2-3%. Sau gần nửa năm thì nhà điều hành chưa lần nào sử dụng“room” này. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng những biến động gần đây có thể hé lộ khả năng điều chỉnh tỷ giá?

- Lúc này Ngân hàng Nhà nước không nên điều chỉnh tỷ giá chút nào cả, mà phải kiên trì như cũ. Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông cùng những biến động gần đây sẽ là một phép thử niềm tin. Việc không điều chỉnh tỷ giá có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước và chúng ta vượt qua được sự thử thách niềm tin của thị trường.

- Trong bối cảnh này, theo ông các thành viên tham gia thị trường nên hành động như thế nào để tránh thiệt hại nhiều nhất?

- Như đã nói, tôi xem sự kiện Biển Đông là một phép thử về niềm tin cho thị trường tài chính, trong đó có thị trường vàng, ngoại tệ. Không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước kiên định với chính sách của mình mà mỗi người dân, nếu là công dân Việt Nam yêu nước, bạn cần có niềm tin mãnh liệt về sự trường tồn của dân tộc, về chân lý của đất nước. Đó là niềm tin cái giàn khoan ở Biển Đông chắc chắn sẽ phải dời đi. Như vậy, hãy biểu thị lòng yêu nước bằng việc phớt lờ những thông tin bất ổn, hãy thận trọng trước khi đưa ra mọi quyết định mua bán trên thị trường.

Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.