08/04/2013 7:55 AM
Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức ba phiên đấu thầu vàng miếng, nằm trong kế hoạch bình ổn thị trường. Một sự khởi đầu hiện vẫn còn những đánh giá khác nhau.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong - TienPhong Bank.

Để có thêm góc nhìn đa chiều về vấn đề này, sau phiên đấu thầu thứ ba, VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Tiên Phong - TienPhong Bank (hai đơn vị cùng tham gia đấu thầu).

Đánh giá về kết quả ba phiên đấu thầu vừa qua, ông Phú nói:

- Phiên đầu là không thành công. Thứ nhất, xét ở góc độ qua đấu thầu để bán hàng hóa, bán được nhiều thì càng thành công, nhưng chỉ bán được 2.000 lượng trong tổng 26.000 lượng chào bán. Thứ hai, mục tiêu bảo đảm sát giá thị trường cũng không sát, để thu ngân sách qua đấu thấu cũng không đạt.

Hai phiên sau thì đã đạt được hai mục tiêu chính. Một là tăng cung cho thị trường. Nếu xem để đáp ứng cơn khát cung của thị trường thì gần 2 tấn qua hai phiên đó đã đáp ứng được đáng kể. Hai là nếu nhìn nhận không thất thu ngân sách thì cũng là mục tiêu quan trọng, vì đây là một nguồn lực quốc gia. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không đặt mục tiêu lợi nhuận, nhưng ngân sách đã thu về được khoảng 100 tỷ đồng mỗi phiên, xét trong tình hình hiện nay với chênh lệch giá so với thế giới là khoảng 4 triệu đồng/lượng, nếu được bảo đảm qua trạng thái vàng tài khoản ở nước ngoài.

Nhưng mục tiêu quan trọng nhất, để giá trong nước sát giá thế giới, thì phải chờ đợi ở những phiên tiếp theo.

"Chúng ta không thể kỳ vọng chỉ qua một vài phiên. Chúng ta có thể thông cảm với Ngân hàng Nhà nước là cần phải có một quá trình. Nhưng nếu không thực hiện được mục tiêu này thì ý nghĩa của việc đấu thầu sẽ không có nhiều." - Ông Đỗ Minh Phú

Ông nói phiên đầu không thành công, ông có thể giải thích rõ hơn quan điểm của mình?

Phiên đầu tiên có lẽ Ngân hàng Nhà nước còn chịu quá nhiều áp lực, đặt giá chào bán cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó. Có nhiều lý do để trả lời, hoặc biện minh cho việc này. Có lẽ đó là e ngại áp lực của dư luận, vì rất dễ bị quàng vào tình huống nếu bán rẻ đi thì có thể bị mang tiếng bù lỗ để phục vụ một cái lợi ích nhóm nào đó, và sau đó có thể có rất nhiều chất vấn dành cho cơ quan quản lý nhà nước.

Hoặc có sự lo ngại là có sự liên kết giữa các đơn vị với nhau để đặt một cái giá thấp hơn so với giá Ngân hàng Nhà nước tính toán trước thời điểm đấu giá.

Phiên đấu giá không thành công vì không đặt một mức giá phản ánh sát thị trường, phản ánh được mục tiêu là muốn tăng cung. Giá chào bán quá khác xa so với mức giá mà Ngân hàng Nhà nước đang muốn bán với một khối lượng lớn, quá xa so với mong muốn của các doanh nghiệp - họ muốn mua ở cái giá phản ánh đúng thị trường tại thời điểm đó. Việc xác định giá bán ra phải tính toán khả năng hấp thụ được lượng hàng đó.

Phiên đầu, giá chào bán chênh cao hơn 500 nghìn đồng/lượng so với giá thị trường là bất hợp lý.

Vậy các mức giá chào bán hai phiên sau thì sao?

Các phiên sau, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán lại. Nhưng, giá chào bán hai phiên sau lại không hề rẻ so với thị trường nghĩ.

Chúng ta thấy giá bỏ thầu đều sát với giá sàn là chủ yếu. Nó thể hiện nếu những ai có nhu cầu và cần mua thì mới mua, nhưng kỳ vọng lợi nhuận là không có. Vì vậy chỉ có thể bảo đảm là tăng cung, đơn vị nào thiếu hụt thì đáp ứng. Còn nói Ngân hàng Nhà nước bán giá rẻ hơn giá thị trường thì chúng tôi không nhìn nhận ở quan điểm ấy.

Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đã không bán giá thấp hơn thị trường qua hai phiên đấu giá gần đây.

Trở lại với mục tiêu quan trọng nhất, để sát giá với thế giới, ông đánh giá khả năng thực hiện bước đầu như thế nào sau ba phiên vừa rồi?

Chúng ta không thể kỳ vọng chỉ qua một vài phiên. Chúng ta có thể thông cảm với Ngân hàng Nhà nước là cần phải có một quá trình. Nhưng nếu không thực hiện được mục tiêu này thì ý nghĩa của việc đấu thầu sẽ không có nhiều.

Đây là trường hợp đặc biệt. Cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia kinh doanh, vì bất cập giá trong nước quá xa với giá thế giới. Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường, tham gia để kiến tạo. Nhưng mục tiêu của việc này không phải là kinh doanh kiếm lời, không hẳn chỉ là mục tiêu tăng cung mà cuối cùng vẫn phải là mục tiêu để giá trong nước sát giá thế giới.

Hai phiên vừa rồi mới chỉ đạt được hai trong ba mục tiêu như nói ở trên. Còn bao giờ mới kéo được giá sát thì phải có thời gian và cũng là mục tiêu cuối cùng.

Là một người trong cuộc, đại diện cho cả DOJI và TienPhong Bank, ông có thể cho biết cả hai đơn vị đã tham gia ba phiên vừa rồi như thế nào?

Phiên đầu tiên cả hai đơn vị chúng tôi đều bỏ phiếu trắng.

Bản thân DOJI là đơn vị trúng thầu ở phiên thứ hai với 3.000 lượng, khối lượng lớn nhất tại phiên này; TienPhong Bank trúng thầu 1.000 lượng. Đó là khối lượng lớn, nhưng chúng tôi đặt sát giá sàn, là vì chúng tôi tính khả năng có lãi không cao, nhưng do nhu cầu cần phải có hàng. Vì hiện nay DOJI và TienPhong Bank khá có uy tín trên thị trường vàng, nên khi người dân đến giao dịch thì phải có hàng. Chúng tôi không quan tâm lắm là phải có lãi, vì giá chào bán và đặt mua đó đã là giá thị trường rồi.

Phiên thứ ba DOJI trúng thầu 2.000 lượng, TienPhong Bank trúng thầu 1.000 lượng. Giá trúng thầu cũng chỉ bằng giá sàn. Các đơn vị trúng thầu khác họ cũng không thể tính vượt xa hơn giá sàn. Nói là giá sàn nhưng các doanh nghiệp coi như là gần giá trần, giá cao nhất có thể mua. Giá đó của Ngân hàng Nhà nước đã ở mức khá cao.

Theo tôi thấy các doanh nghiệp tham gia vào đây là vì cần hàng chứ không hẳn là vì mục tiêu lợi nhuận. Vì Ngân hàng Nhà nước bán giá “chát” như vậy thì làm sao có mục tiêu lợi nhuận.

"Nói một cách hình ảnh, để hạ cánh, chiếc máy bay cần hạ thấp dần độ cao, chứ không thể tiếp đất bằng kiểu bổ nhào. Tất nhiên, ở đây tiếp đất có được êm và không xóc nẩy, còn tùy thuộc vào trình độ “tổ lái” của Ngân hàng Nhà nước." - Ông Đỗ Minh Phú

Ông nói không vì mục tiêu lợi nhuận, có nghĩa là sau khi có hàng doanh nghiệp sẽ ra thị trường thứ cấp bán với chênh lệch hợp lý chứ không đẩy giá quá cao?

Không thể đẩy cao được, vì giá Ngân hàng Nhà nước bán ra đã quá cao rồi. Giá các doanh nghiệp bán ra hầu hết cũng chỉ chênh lệch vài chục nghìn đồng mỗi lượng thôi.

Như phiên thứ hai, doanh nghiệp nào mua giá cao nhất 43,37 triệu đồng nếu không bán nhanh thì bị lỗ. Nếu không vì mục đích đóng trạng thái của tổ chức tín dụng, thì rõ ràng mua với giá đó họ không có lời. Còn DOJI và TienPhong Bank không có mục đích đóng trạng thái, nhưng là nhà bán lẻ có mạng lưới rộng phải có hàng và chúng tôi chỉ mua sát giá sàn thôi.

Ngân hàng Nhà nước không hề bán rẻ tí nào cả.

Còn về tần suất các phiên đấu thầu, ông nhìn nhận thế nào khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến liên tiếp tổ chức? Cá nhân ông dự tính về triển vọng thu hẹp chênh lệch hay tình huống giá chào bán của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào?

Thị trường một thời gian dài thiếu cung. Việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu cũng là hợp lý. Mặt khác, có thể qua nhiều phiên tăng cung như vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến dần đến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá. Khi cung - cầu dần được cân bằng, thị trường hoạt động ổn định hơn, giá thấp dần thì chênh lệch cũng sẽ dần thu hẹp.

Và như đã nói, không thể kỳ vọng giải quyết ngay chênh lệch chỉ qua một vài phiên. Nói một cách hình ảnh, để hạ cánh, chiếc máy bay cần hạ thấp dần độ cao, chứ không thể tiếp đất bằng kiểu bổ nhào. Tất nhiên, ở đây tiếp đất có được êm và không xóc nẩy, còn tùy thuộc vào trình độ “tổ lái” của Ngân hàng Nhà nước.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.