Thôn Dương Sơn là một trong những điểm “nóng” sốt đất tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng do gần dự án đường nối đến đường cao tốc đoạn Na Sơn - Túy Loan. Ảnh: Nhân Tâm
Thông tin thật, giả lẫn lộn
Ông Nguyễn Văn Rê (thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) tuần qua đã cho phép cháu của mình ra ngoài khu công trình gần nhà vui chơi sau thời gian cấm cửa vì có quá nhiều người lạ tụ tập trong thôn. Theo ông Rê, họ là những nhà môi giới đến hỏi mua những khu đất, nhà nằm xung quanh một dự án đường giao thông (đường nối đến đường cao tốc đoạn Na Sơn - Túy Loan).
“Một miếng đất trong diện giải tỏa chờ đền bù được nhiều người ra giá từ 1,2-1,5 tỉ đồng, trong khi trước đó vài tháng chỉ có giá tầm 300-400 triệu đồng”, ông Rê nói. Chỉ ra cánh đồng trước mặt nhà, ông cho biết trước đây xung quanh cánh đồng này chỉ toàn chòi lá hay nhà cấp 4, nhưng từ Tết đến nay, nhiều nhà cửa đã được xây lên, hoạt động mua đi bán lại đất đai cũng nhộn nhịp khi khu vực này có thêm một con đường bê tông mới. “Từ khi có dự án này, tôi biết nhiều người đã bán nhà đi”, ông Rê nói.
Thôn Dương Sơn là một trong những điểm “nóng” tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang và kéo dài qua đến thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nằm trên cùng một trục đường). Tuy nhiên, trong khi một số điểm nóng lên vì có dự án thật, thì một số nơi “phát sốt” vì tin đồn.
Theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, ngoài dự án giao thông này thì trên địa bàn xã không có bất cứ dự án lớn nào. Ông Trúc bình luận tình trạng giá đất bị “thổi” trên địa bàn mình quản lý do xuất hiện một số tin đồn chia tách huyện Hòa Vang thành hai quận cũng như sáp nhập một số xã, phường và thị xã Điện Bàn về thành phố Đà Nẵng. “Khu vực này toàn mồ mả và đường ray xe lửa. Tôi không hiểu vì sao giá đất lại tăng cao được”, một người dân sống ở vùng giáp ranh xã Hòa Tiến và thị xã Điện Bàn cho biết.
Trước diễn biến bất thường của tình trạng “sốt đất”, UBND huyện Hòa Vang đã có văn bản khẩn gửi UBND 11 xã trên địa bàn huyện về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất. Theo văn bản, giới “cò” đất dịch chuyển về huyện Hòa Vang tìm mua, thổi giá đất để “lướt sóng” kiếm lời. Vì vậy, người dân nên cẩn thận khi mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất, gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống. Ngay sau đó, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cũng đã ra văn bản thông tin về việc chia tách huyện Hòa Vang thành hai đơn vị hành chính là không chính xác.
“Sốt” đất sẽ vẫn còn tiếp diễn
Nhiều ki-ốt đất tại khu vực xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm
Ngoài khu vực huyện Hòa Vang (phía Bắc), một số khu vực phía Tây và Nam Đà Nẵng, khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), nơi có các dự án đang và sẽ triển khai như khu đô thị FPT, khu đô thị Nam Hòa Xuân, tình trạng “sốt” đất đã trôi qua cách đây vài năm thì nay có tín hiệu tăng trở lại. Các “ki-ốt nhà đất” không những không giảm xuống mà còn tăng tại khu vực này.
Những “cò” đất ở đây công khai quảng bá mua nhanh lại các miếng đất nằm trong các dự án với giá cao gấp 1,5 lần, thậm chí gấp đôi, so với giá chủ đất mua trước đây. Một nhân viên bán hàng của Công ty Bất động sản HO Land nằm trong khu vực Hòa Xuân xác nhận điều này và cho biết giá đất sẽ còn “nhảy múa” khi cuối năm nay dự án khu đô thị Nam Hòa Xuân khởi động.
Giá đất tại khu vực phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà), nơi có dự án khu dịch vụ thủy sản, hay quận Liên Chiểu - nơi có dự án cảng Liên Chiểu và nhà ga xe lửa, cũng đang tăng giá.
Bên lề một sự kiện đầu tư do thành phố tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cũng nhắc đến tình trạng “sốt” đất của Đà Nẵng. Theo họ, giá đất trên địa bàn thành phố còn tiếp tục tăng, thậm chí tăng nóng do những thông tin về việc triển khai xây dựng các dự án về cơ sở hạ tầng, bất động sản.
Hơn nữa, giá đất sẽ chưa thể hạ nhiệt khi Đà Nẵng mới đây giao cho nhà tư vấn Singapore và Nhật tiến hành lập quy hoạch cũng như nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đổ vốn vào đầu tư tại thành phố. “Di dời hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc và dành chỗ cho dự án mới khiến cho giá đất quanh khu vực này (Hòa Khánh, huyện Hòa Vang) lại tăng”, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng, nói.
Trước tình trạng các tổ chức cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ngày 8-3, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Theo đó, sở xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai, hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng giao sở xây dựng thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án bất động sản đã được UBND thành phố phê duyệt cũng như đồng ý quyền sử dụng đất để hạn chế tình trạng “loạn” giá đất, gây bất ổn xã hội để những trường hợp như xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang không còn xảy ra nữa.
-
Đà Nẵng điều chỉnh bảng giá đất, đường nào có giá cao nhất?
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 59/2024/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung bảng giá trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2024, áp dụng từ ngày 1/1/2025. Nhìn chung bảng giá đất mới tăng hơn so với khung giá trước đây....
-
Lập và vận hành Trung tâm Tài chính TP.HCM, Đà Nẵng trong 2025
Chính phủ nêu mục tiêu thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng trong năm 2025.
-
Đà Nẵng đón 13 doanh nghiệp bán dẫn và vốn FDI đạt 1,5 tỷ USD
Năm 2024, Đà Nẵng ghi nhận sự bứt phá ngoạn mục với việc thêm 5 công ty thiết kế vi mạch đầu tư vào thành phố, nâng tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực này lên 13 đơn vị. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định vai trò trung tâm công nghệ cao hàng đầ...