Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang cần những thông điệp chính sách rõ ràng để chuyển hướng.
GS.TSKH Nguyễn Mại

Trầm ngâm trước những băn khoăn về khoảng doãng ngày càng tăng của vốn đăng ký và giải ngân của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về những bờ biển dài ngút mắt đang bị chia chẻ bởi các hàng rào vô hình từ các dự án bất động sản du lịch biển và một bảng dài những câu hỏi về cơ hội nào cho Việt Nam khi bản đồ FDI thế giới đang được vẽ lại, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI), một trong những nhân chứng lịch sử của quá trình hơn 20 năm thu hút FDI của Việt Nam, tâm sự, dường như Việt Nam vẫn đang học dở bài học về tận dụng cơ hội.

Để nói về cơ hội thu hút FDI 10 năm tới, vốn rất khác cả điều kiện thế giới và thực lực kinh tế của Việt Nam, tôi muốn nhắc lại thời điểm cách đây 20 năm, vào năm 1991, khi Diễn đàn Đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM với sự có mặt của khoảng 650 CEO tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn cũng như các đại diện đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam. Bây giờ, nói về một sự kiện kinh tế quốc tế với quy mô như vậy là bình thường, nhưng khi đó, chúng tôi không hề có kinh nghiệm tổ chức, thậm chí thiếu cả địa điểm đúng yêu cầu cho một sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, đánh giá lại, Diễn đàn này đã tạo nên làn sóng FDI đầu tiên tại Việt Nam.

Các nghiên cứu về giai đoạn này cho rằng, sự đột phá của làn sóng FDI giai đoạn đầu là nhờ sự đột phá của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (Luật ĐTNN) và sau đó là hai lần sửa đổi, vào năm 1990 và 1992.

Về mặt lịch sử, Luật ĐTNN có thể coi là dấu mốc đầu tiên hiện thực hoá tư duy quản lý chuyển từ tập trung bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với thế giới. Nhân tiện, tôi cũng muốn nhắc tới hai tên tuổi đã làm nên bộ luật này là Luật sư Lưu Văn Đạt, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế ngoại thương và ông Võ Đông Giang, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm SCCI. Với tư duy cởi mở, Luật ĐTNN của Việt Nam được đánh giá là cởi mở và tiến bộ nhất khu vực, kể cả so với Trung Quốc vào thời điểm đó.

Song, có lẽ điều này chưa đủ để kéo các nhà đầu tư vào vùng đất lạ là Việt Nam. Từ 1987 đến 1990, vốn FDI vào Việt Nam khá e dè, mang tính thăm dò, chỉ khoảng 1,1 tỷ USD vốn đăng ký, thực hiện được vài trăm triệu USD.

Sự đột phá của FDI, như tôi đã nói, bắt đầu sau khi Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức thành công vào năm 1991 với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ lúc đó là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt... Thông điệp Việt Nam đang đổi mới, mở cửa, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế đã được đích thân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gửi tới giới đầu tư thế giới.

Cách đây 20 năm, việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất hiện và phát biểu trong một sự kiện kinh tế như vậy cũng là lần đầu tiên. Và hiệu ứng rất lớn.

Cũng phải nói thêm là, trước đó, SCCI đã tổ chức hai đợt kêu gọi đầu tư tại châu Âu và châu Á với sự hỗ trợ của UNIDO. Các thông tin về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, pháp luật đầu tư của Việt Nam, danh mục dự án kêu gọi đầu tư… bằng hình ảnh, tài liệu lần đầu tiên được thực hiện khá đồng bộ và chuyên nghiệp. Tôi còn nhớ khi đó, bản dịch và in Luật ĐTNN được thực hiện tại Australia, vì Việt Nam không có nhà in đủ chất lượng theo yêu cầu của các tổ chức quốc tế…

Nhìn lại giai đoạn 1991-1997, giai đoạn vàng của lịch sử thu hút FDI tại Việt Nam, các tên tuổi lớn của thế giới đã xuất hiện. Đó là BP, Shell, Total trong ngành dầu khí. Đó là Daewoo, Toyota, Ford… trong lĩnh vực ô tô xe máy. Rồi Sony trong ngành công nghiệp điện tử, Phú Mỹ Hưng trong lĩnh vực bất động sản. Không chỉ vốn đăng ký, mà vốn giải ngân đạt đỉnh vào năm 1997 với 3,115 tỷ USD đã giữ kỷ lục suốt 10 năm sau đó. Tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực này trong giai đoạn 1991-1995 đạt con số kỷ lục, trung bình 72,37%, đóng góp 30% vào tổng vốn đầu tư xã hội và 40% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Những kết quả này cũng đã góp phần tạo nên tiền đề để Việt Nam nối lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc vào năm 1991, bình thường hoá quan hệ với Mỹ vào năm 1994, gia nhập ASEAN vào 1995, ký Hiệp định khung hợp tác với EU cũng vào năm 1995...

Trong đánh giá về FDI của Việt Nam khi nghiên cứu về Năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010, cha đẻ của thuyết cạnh tranh - ông Micheal Porter cho rằng, FDI là động lực dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua nhưng cách tiếp cận chính sách trong thu hút đầu tư còn thụ động và hướng nhiều tới vốn đăng ký hơn là giải ngân và quan trọng là giá trị mà FDI mang tới cho Việt Nam chưa đủ.

Việt Nam chưa bao giờ coi trọng số lượng hơn chất lượng. Và việc đánh giá về số lượng hay chất lượng của dòng vốn FDI nên nhìn vào từng thời điểm lịch sử.

Cách đây 20 năm, khi GDP tính theo đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 150 USD, ngân sách nhà nước, nếu tôi nhớ không nhầm, chỉ khoảng 150 triệu USD, kinh tế tư nhân chưa phát triển, thì một dự án chỉ vài triệu USD, đem lại công việc cho một vài trăm lao động cũng đã là niềm mơ ước.

Cũng như một người khi đói, trong tay hầu như không có một cái gì, thì một củ khoai cũng là sơn hào hải vị. Không nên quy củ khoai khi đói là không có chất lượng. Và không thể đòi hỏi thực hiện giấc mơ công nghệ khi mà kinh tế Việt Nam khủng hoảng, 4 mặt hàng chủ lực hàng năm của Việt Nam là xăng dầu, sắt thép, phân bón và vải sợi vẫn dựa vào viện trợ của Liên Xô bị cắt, người lao động Việt Nam chưa biết đến điện thoại, xe máy, ô tô…, khi doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu mò mẫm thành hình…

Sau này, khi đánh giá dự án Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng của Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng, nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư lợi quá nhiều, còn ta được ít. Tôi muốn nhắc lại thời điểm mà vị chủ tịch quá cố của Công ty Phú Mỹ Hưng, ông Ferdinand P.Tsien tới Việt Nam đặt vấn đề xây dựng thành phố tại vùng đầm lầy phía Nam TP.HCM là trước năm 1993, thời điểm dự án này được cấp phép đầu tư, không một người Việt Nam nào nghĩ đến việc có thể xây dựng được một thành phố như vậy cùng với 17,2 km đường, Khu chế xuất Tân Thuận. Khi đó, bản thân tôi rất ủng hộ và kết quả thì đã thấy, một thành phố đẹp, hiện đại nhất Việt Nam đã thành hình. Về lợi nhuận, thì họ có quyền được hưởng vì họ có ý tưởng, có tiền, trong khi ta không có gì cả.

Bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những dự án như vậy. Có nghĩa là, với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bất động sản, chúng ta phải đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi họ đem đến những gì ta chưa có như cách đây gần 20 năm, Phú Mỹ Hưng đã đem đến TP.HCM.

Khi kinh tế Việt Nam phát triển dần lên, thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ đạt 1.300 USD vào năm 2011, khu vực doanh nghiệp tư nhân đông đảo hơn, mạnh mẽ hơn với trên 500.000 doanh nghiệp, nhiều thương hiệu lớn đã cạnh tranh với thế giới, chất lượng FDI sẽ phải được nhìn nhận khác đi.

Nhưng trên thực tế, các dự án bất động sản quy mô lớn vẫn đến Việt Nam và không phải với những công nghệ đặc thù, mới mẻ nào; các dự án thép, xi măng lại tiêu tốn quá nhiều năng lượng; và câu chuyện sân golf lấy đất lúa… dường như là một đặc điểm khá nổi của dòng FDI vào Việt Nam vài ba năm trở lại đây, thưa Giáo sư?

Chọn địa điểm, lĩnh vực đầu tư là quyền của nhà đầu tư. Chọn dự án, chọn nhà đầu tư nào, đó là quyền của chúng ta. Điều này không trái với thông lệ quốc tế.

Nhưng đúng là trong làn sóng thứ hai của FDI, từ năm 2006 đến nay, ta đã không làm được nhiều điều ta muốn. Nhìn lại trước đó, giai đoạn suy thoái của FDI, 1998-2004, bên cạnh sự tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, thì phần chủ quan của Việt Nam cũng rất lớn. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đánh giá về thời điểm này cũng đã từng nói, Việt Nam đã không những không biến được thách thức thành cơ hội, mà còn để cho thách thức đó nặng nề hơn, kéo dài hơn cả Thái Lan và Hàn Quốc.

Trong hoạt động đầu tư, thực tế cho thấy, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài hiệu quả chưa cao, thậm chí không còn thích ứng với thay đổi của thế giới. Khi thế giới đã chuyển sang nền công nghiệp sạch và xanh, tại sao Việt Nam lại phải gồng mình tìm nguồn đầu tư cho điện lên tới 3-4 tỷ USD/năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện tăng khoảng 15-16%, để rồi lại đổ vào các đại dự án thép, xi măng mọc lên rầm rộ. Tại sao các dự án FDI lại dễ dàng có những diện tích đất vàng để đầu tư các khu trung tâm thương mại, đô thị với những công nghệ, kỹ thuật mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Trong chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam đã tính tới tình huống có thể 50 năm nữa, vùng ĐBSCL của ta có thể bị ngập mặn, 15% GDP sẽ bị mất đi… Ngay cả việc một số doanh nghiệp FDI chuyển từ sản xuất sang phân phối thương mại không phải do lỗi của họ, mà do chúng ta chưa theo kịp xu thế của thị trường.

Trong khi đó, tình trạng chuyển giá, lương thấp gây nên các cuộc đình công… đang nổi lên là vấn đề phải giải quyết rốt ráo trên cơ sở của luật pháp. Trong hội nhập kinh tế, lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia phải luôn được đặt lên trên hết. Với thu hút FDI cũng vậy.

Trong năm 2011, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác thu hút FDI sẽ tập trung vào chất lượng FDI theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Công tác xúc tiến đầu tư cũng được chuyển hướng theo nguyên tắc bố trí nguồn lực để xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực, theo vùng miền; không xúc tiến đầu tư theo địa giới hành chính để đảm bảo tính liên kết vùng miền, tận dụng tối đa tiềm năng thế mạnh của vùng miền, giảm thiểu đầu tư theo phong trào, đầu tư theo thành tích.

Tôi muốn nhắc tới một câu nói của Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton khi đến Việt Nam rằng, Hoa Kỳ đối xử với Việt Nam không chỉ như một quốc gia, mà còn là một thành viên tích cực của ASEAN năng động. Tại sao chúng ta không tự nhìn ra cơ hội từ vị trí đó, nhất là khi tới năm 2015, với cam kết hình thành cộng đồng ASEAN, biên giới quốc gia trong khu vực sẽ thay đổi, sự dịch chuyển của dòng vốn, hàng hoá và cả lao động sẽ rất khác. Trong bối cảnh mới, cách đặt vấn đề về FDI, cũng như các chính sách thu hút dòng vốn này sẽ phải thay đổi.

Thưa Giáo sư, có cần một thông điệp chính sách cho sự thay đổi này như chúng ta đã làm vào năm 1991 hay không?

Thời gian đó, SCCI dự kiến sẽ tiến hành Diễn đàn đầu tư Việt Nam 5 năm một lần, nhưng không thực hiện được. Thời điểm này, với đòi hỏi thay đổi căn bản và toàn diện trong chính sách thu hút FDI của một quốc gia có thu nhập trung bình, với định hướng phát triển, lựa chọn các ngành nghề ưu tiên khác, có lẽ, Việt Nam nên có một thông điệp chính sách rõ ràng cho giai đoạn thu hút FDI hướng tới chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.

GS. Nguyễn Mại nhắc tới ba điểm cần phải có trong chính sách thu hút FDI 10 năm tới. Một là, tập trung vào ngành công nghiệp của tương lai mà nhiều nước coi trọng và Việt Nam có điều kiện phát triển như công nghệ hải dương, công nghiệp biển bên cạnh công nghệ thông tin. Hai là, phải tính lại cơ cấu vùng và các chính sách ưu tiên phù hợp để không tiếp tục tình trạng duy trì ưu đãi cao nhưng nhà đầu tư không tới do thiếu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Ba là, xác định các lĩnh vực ưu tiên gắn với chuỗi giá trị toàn cầu của các TNC.

Kinh nghiệm của Malaysia chọn ưu tiên thu hút FDI vào điện, điện tử và trở thành địa chỉ xuất khẩu lớn của thế giới trong ngành này rất đáng để chúng ta học tập. Bởi sau hơn 20 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn chưa định vị được vị trí của mình trên chuỗi giá trị toàn cầu, chưa thực hiện được các liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI…

Một thông điệp về đầu tư nước ngoài mới đồng nghĩa là cam kết về một môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hợp tác với các nhà đầu tư theo những định chuẩn công khai, minh bạch và tính pháp lý cao.

Điều quan trọng nữa là thông điệp rõ ràng và minh bạch này cũng sẽ tới được các lãnh đạo địa phương, những người sẽ ký vào các giấy chứng nhận đầu tư, đảm bảo nguyên tắc mọi định chuẩn sẽ được áp dụng chung.

Cafeland.vn - Theo Bảo Duy (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland