Lúc sống đã rất vất vả để lo chốn an cư, đến khi chuẩn bị cho "nơi an nghỉ vĩnh hằng", người dân thành thị cũng chẳng dễ dàng.

Nhu cầu đối với đất nghĩa trang tại các đô thị luôn rất cao. Đặc biệt, về khía cạnh tâm linh, nhiều người không tính toán đắt rẻ. Nghề kinh doanh đất tâm linh cũng vì thế mà rất "thịnh".

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 2.362 nghĩa trang, với quy mô 2.740 ha, trong đó có 6 nghĩa trang tập trung (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng, Thanh Tước, Mai Dịch, Văn Điển, Sài Đồng, không bao gồm nghĩa trang liệt sỹ Nhổn, Ngọc Hồi), 3 nghĩa trang tập trung huyện (Hà Đông, Sơn Tây và Xuân Đỉnh) và 2.353 nghĩa trang thôn, xã.

Gian nan "một cõi đi về"

Nhu cầu sinh sống, làm việc, thậm chí được chôn cất tại Thủ đô đang ngày càng lớn do lượng gia đình, cá nhân định cư nhiều đời (2 đời trở lên) liên tục tăng trong nhiều năm qua. Những chuyện khách hàng đặt cọc "xí phần" sớm cho người thân trở nên quá quen thuộc. Các trường hợp phần đất đẹp (cao ráo, hướng Đông Nam) thì diễn ra cảnh tượng "tranh nhau mua" như cơm bữa.

Theo ông Nam, người bán hàng nước gần cửa nghĩa trang Thanh Tước, ngày càng nhiều những khách hàng tìm tới để săn các phần đất đẹp nhằm lo trước cho người thân. Giá cả vì vậy cũng bị "đẩy" lên ít nhiều, nhưng đa phần đều giao dịch rất chóng vánh.

Được biết, mỗi suất đất (tầm 3-4m2) ở nghĩa trang Xuân Đỉnh có giá khoảng 50 –55 triệu đồng. Nếu là đất cải táng từ mộ cũ chuẩn bị hoặc đã di dời, giá dao động từ 30 – 24 triệu đồng/suất. Còn lại, những phần đất hướng Đông Nam, sát đường (tiện cho việc chăm sóc, thăm nom), giá lên mức 90-100 triệu đồng/suất.

Dân môi giới BĐS cũng không bỏ qua "thị phần" này. Chị Lan, chuyên môi giới đất nghĩa trang tâm sự: "Kinh doanh đất cho người đã khuất rất khó và đòi hỏi có "căn". Nhiều môi giới (dù giàu kinh nghiệm) đã tìm tới mảng này nhưng cuối cùng phải từ bỏ. Thực chất, chỉ cần tạo được quan hệ hợp tác với người quản trang, hay đơn giản chỉ là nhân viên quét dọn trong nghĩa trang, việc kết nối giữa khách hàng và ban quản lý nghĩa trang không khó khăn.

Đơn cử, những nghĩa trang chỉ dành cho người địa phương (Xuân Đỉnh, Quán Dền...). Nếu người mua ở nơi khác tới, đặt vấn đề trực tiếp sẽ bị từ chối, nhưng với sự "can thiệp" của môi giới (thực chất là quản trang) mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn.

Tìm kiếm nơi an nghỉ cuối cùng cho người đã khuất tại các đô thị lớn là nhu cầu bức thiết
phải đáp ứng trong tương lai không xa

Với lực cầu ngày càng gia tăng, đất nghĩa trang (trong nội thị) dần trở nên khan hiếm, khiến cho nhiều khách hàng mở rộng tìm kiếm ra ngoại vi Hà Nội. Theo đó, hai khu công viên nghĩa trang được chú ý nhất hiện nay là Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) và nghĩa trang Vĩnh Hằng (Hà Tây) nhờ lợi thế quy hoạch đẹp mang phong cách châu Âu, tiện lợi như biệt thự của người sống.

"Người đã khuất" ngóng… quy hoạch

Một suất 3-4m2 tại Lạc Hồng Viên có giá ngót 40 triệu đồng (!) nhưng hầu như đã kín chỗ sau 3 năm nghĩa trang đi vào sử dụng. Giá cao gấp nhiều lần các nghĩa trang ở Hà Nội nên Lạc Hồng Viên và Vĩnh Hằng thường nằm ngoài khả năng tài chính của những người lao động có thu nhập thấp. Việc tìm mua các phần đất cho người đã khuất, hay một khu đất dành cho gia tộc càng trở nên khó khăn do nghĩa trang Văn Điển không nhận hung táng từ năm 2010. Kèm theo đó, việc nhiều nghĩa trang từ chối nhận người ngoài (ở địa bàn khác tới) cũng như giá cả, hay vị trí không thuận lợi đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh "đỏ mắt tìm nơi an nghỉ cho người đã khuất".

Ở địa bàn Tp.HCM cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu an nghỉ của lượng khách hàng khổng lồ. Hiện Tp.HCM có 2 nghĩa trang lớn, trong đó Bình Hưng Hòa (Bình Chánh) được xem là "đầu bảng". Vài năm trước, đất mộ phần ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, có giá thấp nhất (khoảng 600.000 đồng/huyệt).

Tại Nghĩa trang Gò Dưa, giá đất từ 3,5-6 triệu đồng/huyệt (những năm 2008-2010) lên ngót 10-15 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt, nên chỉ người giàu mua được. Người nghèo, đặc biệt là dân nghèo đô thị không thể tiếp cận, gây nên áp lực cho Thủ đô… Quy hoạch nghĩa trang thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất quản lý nghĩa trang cần được phân theo vùng địa lý, đồng thời phát triển nghĩa trang tập trung mới ở các khu vực Bắc, Nam, Đông, Tây sông Hồng. Nghĩa trang Quốc gia sẽ được bố trí tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.

Các cơ sở hỏa táng sẽ được xây dựng trong nghĩa trang tập trung. Đồng thời, Tp. Hà Nội đã chỉ đạo xác định địa điểm xây dựng cơ sở hỏa táng tại huyện Chương Mỹ và Đông Anh, với tinh thần "Quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến người dân nghèo,…. sao cho mọi người dân, đặc biệt là người dân nghèo đô thị, khi người thân mất, tiếp cận đất được dễ dàng và bộ mặt đô thị trở nên đẹp hơn".

Sáu nghĩa trang đã hoặc sẽ đóng cửa trước năm 2015, trồng cây xanh cách ly, cải tạo thành công viên nghĩa trang, gồm: Mai Dịch 1, Xuân Đỉnh, Hà Đông, Văn Điển, Yên Kỳ 1 và Sài Đồng. Như vậy, trong tương lai sớm nhất là 17 năm tới, nếu quy hoạch không về đích đúng hẹn, chuyện "người chết cũng khóc" (vì thiếu đất) ở Thủ đô sẽ càng trở nên bức xúc.

Song Hà (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.