Thị trường bất động sản một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có những diễn biến khá tương đồng với giao dịch trầm lắng, trong đó thị trường tại Lâm Đồng gần như đứng yên, đất nền vùng ven khai thác kém tại Khánh Hoà đang giảm sâu. Đây liệu có phải thời điểm thích hợp để nhà đầu tư “xuống tiền”?

Ảnh minh hoạ

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây đã công bố báo cáo thị trường bất động sản quý 1.2023 khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Tại khu vực Tây Nguyên, báo cáo phân tích sâu tại hai thị trường Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Đối với Đắk Lắk, thị trường sơ cấp không ghi nhận giao dịch trước bối cảnh thị trường vẫn còn trầm lắng.

Phân khúc đất nền dân sinh có mức giá trung bình và thấp, phổ biến từ 400-600 triệu/nền đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, phát sinh nhiều giao dịch.

Theo VARS, các sản phẩm bất động sản thế chấp tại ngân hàng bị hạ mức định giá, Những người vay tiền ngân hàng thế chấp bằng bất động sản buộc phải nộp bổ sung tiền, tài sản khác hoặc ngân hàng sẽ phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đóng cửa hoàn toàn mà chỉ tạm dừng một thời gian. 50-60% môi giới bất động sản tìm công việc khác để đảm bảo các sinh hoạt phí.

Trong tháng 3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết khó khăn về mặt pháp lý đối với một dự án đất nền. Tín hiệu tích cực này đã nhanh chóng tạo niềm tin giúp phát sinh được các giao dịch thứ cấp và khách hàng hoàn tất các thủ tục mua bán với chủ đầu tư.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, quý 1.2023 có 19 dự án đang mở bán, chủ yếu là dự án đất nền và biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng.

Thị trường bất động sản tại Lâm Đồng gần như đứng yên. Nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản đóng cửa, ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này thì cắt giảm nhân sự khoảng 50% so với năm trước, cắt giảm lương 30-40% tùy cấp bậc.

Bước sang quý 2.2023, dự án kinh doanh thương mại, khách sạn đầu tiên tại Đà Lạt đạt tiêu chuẩn 5 sao với hơn 500 phòng nghỉ, hội trường hội nghị trên 1.200 chỗ ngồi sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương.

Ở khu vực Nam Trung Bộ, báo cáo của VARS cho thấy, tại Khánh Hoà, quý 1.2023, thị trường trầm lắng, giao dịch có nhưng không nhiều. Tâm lý chung của nhà đầu tư còn e dè sau nhiều thông tin bất lợi về tài chính và bất động sản. Khoảng 30% doanh nghiệp xin tạm ngừng kinh doanh và giải thể, trong đó đa số là các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường khoảng 2 năm. Giá bán dự án giảm từ 10-20%, đất nông nghiệp vùng ven không có giá trị sản xuất giảm sâu 20-30%.

VARS cho rằng, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 công bố vào ngày 2.4.2023 sẽ là đòn bẩy kích thích thị trường. Trong đó, Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ là trung tâm kinh tế có sức lan tỏa trên cả nước, động lực chính tạo nên bước đột phá trong tương lai.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có các đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Nhờ vậy, doanh nghiệp bất động sản có thêm nguồn vốn để đẩy nhanh triển khai dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Những động thái này đang thắp lại niềm tin đối với người dân có nhu cầu mua bất động sản.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá, đến nay, lãi suất ngân hàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, room tín dụng đã mở, dòng tiền quay trở lại thị trường sẽ tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, đem lại lợi nhuận hơn gửi tiết kiệm. Trong số đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn, bảo toàn vốn tốt hơn so với các kênh đầu tư khác. “Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định xuống tiền”, ông Đính nhận định.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.