Khu đất UBND xã Tân Dân cho thuê trái quy định nhiều năm, nhưng gặp khó khi thu hồi
Đủ lý do không trả
Tại xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có khu đất công khá lớn với quy mô 40ha. Nhiều năm qua, UBND xã Tân Dân cho các hộ dân thuê khu đất này để nuôi tôm. Sau khi có chỉ đạo rà soát đất công cho thuê, mượn sai quy định thì UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thu hồi.
Ông Võ Như Toại, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đầu năm 2018, UBND xã đã chấm dứt hợp đồng, yêu cầu các hộ dân bàn giao đất cho xã quản lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay UBND xã Tân Dân chỉ thu hồi đất trên giấy tờ, còn thực tế người dân vẫn tiếp tục sản xuất.
Hầu hết các hộ thuê là thành viên của Hợp tác xã Thành Công. Tại khu đất này có 41 ao tôm, trong đó có 9 ao nuôi theo hình thức siêu thâm canh. Mỗi ao nuôi tôm theo hình này, chỉ riêng vốn đầu tư ban đầu ít nhất 400 triệu đồng/ao.
Ông Trần Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Thành Công, cho biết theo yêu cầu của UBND xã Tân Dân, đến ngày 5-5-2019 phải giao đất “trắng” cho xã đối với những hộ nuôi tôm thâm canh, còn nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh phải bàn giao từ ngày 30-7-2019.
“Hiện chúng tôi yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết quyền lợi. vì xã viên bỏ vốn đầu tư rất lớn trên phần đất này. Khi thu hồi “trắng” mà không bồi thường nên chúng tôi chưa đồng tình”, ông Việt nói.
Tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) có 3 trường hợp vi phạm sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Trong đó, 2 trường hợp cho mượn đất (hộ ông Nguyễn Ngọc Ánh và ông Võ Văn Nam) và một trường hợp thuê đất đã hết hạn hợp đồng là bà Phạm Thị Thu Hồng.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất cũng không dễ dàng. Về hướng giải quyết những trường hợp này, ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho hay: “Trường hợp của ông Nam, UBND thị trấn kiến nghị Phòng TN-MT huyện xem xét giải quyết đơn khiếu nại. Trường hợp bà Hồng, thị trấn kiến nghị UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất. Còn trường hợp ông Ánh, do có nhà ở trên đất nên kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét cho thêm thời gian để UBND thị trấn lập quy trình xử lý”.
Theo Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, trên địa bàn có khoảng 270ha đất cho thuê, mượn trái quy định. Trong đó, nhiều nhất là các huyện Đầm Dơi, Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời…
Chậm xử lý
Năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Cái Nước, nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), được UBND huyện Cái Nước giao quản lý phần đất với diện tích 20.715m2 (tại ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông) để quản lý, sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở.
Mặc dù phần đất này chưa được Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đến tháng 5-2013, trung tâm đã có tờ trình xin chủ trương phối hợp với Công ty TNHH Đào tạo và sát hạch Vĩnh Hòa (gọi tắt Công ty Vĩnh Hòa) mở Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe mô tô loại 3, với diện tích 4.000m2.
Tuy nhiên, UBND huyện Cái Nước chỉ đồng ý với hình thức nguồn vốn đầu tư thực hiện xã hội hóa, không chủ trương để trung tâm cho thuê đất.
Song giám đốc Trung tâm GDNN huyện Cái Nước lại “vượt quyền”, ký hợp đồng với Công ty Vĩnh Hòa cho thuê 4.000m2 đất. Thời gian cho thuê 10 năm (từ ngày 1-9-2013 đến 1-9-2023), giá cho thuê 30 triệu đồng/năm.
Theo Thanh tra tỉnh Cà Mau, việc Trung tâm GDNN huyện Cái Nước ký hợp đồng cho thuê 4.000m2 đất là sai thẩm quyền vì “Tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.
Mặc khác, liên quan đến phần đất trung tâm cho thuê trái quy định, tháng 12-2016, Sở KH-ĐT tỉnh đã có công văn đề nghị UBND huyện Cái Nước xem xét lại việc sử dụng đất của trung tâm này.
Tuy nhiên, UBND huyện Cái Nước lại “quên” không chỉ đạo kiểm tra, để xảy ra sai phạm thời gian dài mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi hướng xử lý, Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, nói: “Huyện đã chỉ đạo rà soát lại nhu cầu sử dụng đất của trung tâm, xem có sử dụng hết không. Nếu sử dụng không hết thì cắt phần đất ra để cho Công ty Vĩnh Hòa thuê. Việc cho thuê này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.
Còn về kế hoạch thu hồi đất cho thuê, mượn trái quy định, ông Giang cũng cho biết đã chỉ đạo các xã rà soát, báo cáo đến thời điểm này đã thực hiện đến đâu và còn vướng gì. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, báo cáo về tỉnh trước ngày 17-7.
-
Điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Cà Mau từ 30/10/2024
Từ ngày 30/10/2024, quy định về diện tích tách thửa đất ở tại Cà Mau thực hiện theo Quyết định 48/2024/QĐ-UBND do UBND tỉnh Cà Mau ban hành.
-
Bộ GTVT thông tin về việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp công trình giao thông
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang...
-
2.400 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau
Sân bay Cà Mau sẽ được nâng cấp, mở rộng đảm bảo khai thác các chuyến bay A320, A321 và tương đương. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng.