Trong tuần nổi bật nhất là sự kiện Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm khiến dư luận “dậy sóng” phản đối…

Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ''từ cái tâm''

Sau khi Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành... kiến nghị đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, dư luận đã “dậy sóng” và cho rằng đề xuất này không có tính khả thi.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là "có tâm"?

Theo đó, vị Chủ tịch Hiệp hội cho rằng bất động sản là xương sống của nền kinh tế nên những đề xuất giải cứu thị trường này hướng tới những địa chỉ cụ thể như Ngân hàng Nhà nước, bộ Tài chính, Tổng cục thuế và bộ Xây dựng.

Vì vậy, ông Châu đề nghị đánh thuế thu nhập trên những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Không lâu sau khi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi tới Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, cả chuyên gia và dư luận đều tỏ ý phản đối.

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: chỉ những nguồn nào dẫn đến thu nhập cá nhân mới phải đóng thuế. Còn ở đây, người dân đã đóng thuế thu nhập rồi, đã đóng tất cả các loại thuế rồi nên không thể bắt họ đóng thuế tiền gửi tiết kiệm được.

Hà Nội lý giải việc đặt ga tàu điện cạnh hồ Gươm

Trước những ý kiến lo ngại về việc đặt ga C9 của tuyến tàu điện đô thị số 2 ngay cạnh Hồ Gươm có thể làm ảnh hưởng không gian kiến trúc khu vực hồ, UBND TP Hà Nội và Sở QHKT đều cho rằng việc lựa chọn này là hợp lý và đã được tính toán kỹ lưỡng.

Một số chuyên gia lo ngại vị trí đặt ga C9 sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh Hồ Gươm.

Theo đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 được xác định là có tiềm năng phát triển nhất để lựa chọn nghiên cứu tiền khả thi. Các nghiên cứu sau đó của cơ quan tư vấn nước ngoài cũng đã đặt ra nhiều phương án để phân tích, lựa chọn, làm rõ ưu, nhược điểm.

Theo ông Dương Đức Tuấn- Phó Giám đốc Sở QHKT, có ba phương án quy hoạch ga C9. Phương án A: vị trí ga đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu; Phương án B: cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội; Phương án C: cách vị trí ga đã đề xuất trong báo cáo nghiên cứu khả thi 185m về phía Bắc, nằm dưới khu phố cổ bao gồm cả nhà hát múa rối Thăng Long.

Dựa trên kết quả so sánh, đánh giá ba phương án nêu trên, đơn vị nghiên cứu đã đề xuất chọn phương án B- là phương án hợp lý nhất đặt ga C9.

Lý do việc đặt ga C9 tại khu vực này theo Sở QHKT là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của Hồ Gươm (gồm cả Tháp Bút và đền Bà Kiệu) hơn phương án A. Hơn nữa, đặt ga tại vị trí này du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền.

Chính phủ chỉ đạo thí điểm xây nhà cho thuê

Ngày 5/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tại cuộc họp lần thứ 10 của Ban chỉ đạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương có nhiều dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản tổ chức rà soát, cơ cấu lại thị trường bất động sản chuyển sang phân khúc thấp, giảm hàng tồn kho; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi dự án phát triển nhà ở thương mại thành dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà tập thể và khu dân cư cũ để thực hiện chỉnh trang đô thị theo quy hoạch; nghiên cứu và triển khai thí điểm mô hình dự án nhà ở cho thuê đáp ứng yêu cầu một bộ phận lớn người thu nhập thấp chưa có điều kiện mua nhà ở.

'Không cho Đà Nẵng giải trình nữa'

“Đây là kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và Đà Nẵng bắt buộc phải thực hiện”, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP), khẳng định với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 6-3, một ngày sau khi đoàn TTCP công bố công khai kết luận thanh tra về sai phạm trong quản lý đất đai đối với chủ tịch, các phó chủ tịch và giám đốc các sở, ban ngành có liên quan của TP Đà Nẵng.

Ông Hạnh cho biết: “Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn gì thì TP báo cáo, đề xuất để Chính phủ có biện pháp tháo gỡ. Thời gian cụ thể để TP Đà Nẵng thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã có trong quy định”.

Trao đổi với một số cơ quan báo chí, ông Trần Thọ - Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy Đà Nẵng cho biết lãnh đạo TP và Thường trực Thành ủy cũng sẽ có báo cáo giải trình cụ thể sự việc gửi Bộ Chính trị.

“Thiên đường mua sắm” Grand Plaza tạm đóng cửa

Sau một thời gian khai thác không hiệu quả, TTTM Grand Plaza hiện tại buộc phải thay đổi để có thể tiếp tục phát triển.

Các gian hàng tại TTTM Grand Plaza trống huơ, trống hoác.

Tới Trung tâm thương mại (TTTM) Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) những ngày này, nhiều khách hàng sẽ ngạc nhiên trước cảnh ngổn ngang đồ đạc để sửa chữa, các gian hàng trống huơ, trống hoác.

Tại lối lên cầu thang máy tầng 1 của TTTM, một toán bảo vệ đang án ngữ ngay cửa, khi thấy khách hàng bước tới, họ đã kịp ngăn lại và giải thích lý do: Hiện tại, trung tâm đang tạm thời ngưng hoạt động, đóng cửa để sửa chữa.

Trước đó, một thời gian dài, sau khi Grand Plaza được khai trương cách đây 3 năm trước, TTTM này được coi là nơi bán hàng ế ẩm nhất Hà Nội.

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Đức Anh - Giám đốc TTTM Grand Plaza cũng thừa nhận: Grand Plaza cần thời gian để tái cơ cấu lại, việc thuê gian hàng đã chính thức ngừng hoạt động từ tháng 12/2012.
Tuy vậy, hỏi về thời gian cụ thể mà Grand Plaza hoạt động, mở cửa trở lại thì vị đại diện của Grand Plaza cho hay: Chưa có câu trả lời chính xác.

Kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm

Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành về việc kiểm điểm tiến độ GPMB tại các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố, Dự án vào tuần 2 của tháng 3 Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh sẽ có buổi làm việc về vấn đề này.

Thành phố yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo ban giải phóng mặt bằng Thành phố trước ngày 08 tháng 3 năm 2013.

Cuối năm 2011, HĐND Thành phố Hà Nội quyết định thông qua 37 dự án đầu tư trọng điểm giai đoạn 2011- 2015 do Thành phố quản lý với tổng vốn đầu tư hơn 147.373 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến có 31 công trình sẽ hoàn thành với số vốn gần 130.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn do năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 trong đó có cắt giảm đầu tư công. Bên cạnh đó, việc GPMB tại các dự án này cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn. Vì vậy, hầu hết các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra dẫn đến khối lượng GPMB vẫn còn khá lớn.

Trong năm 2013, có nhiều dự án trọng điểm cần được tập trung thực hiện và bàn giao dứt điểm như Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường Kim Mã - Trần Phú, đường Vành đai II đoạn Nhật Tân - Bưởi và đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng, đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, dự án đường sắt đô thị Hà Nội…

Hoàng Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.