Người dân Thủ đô rất run sợ khi chứng kiến cảnh toàn bộ ngôi nhà số 43 Cửa Bắc (quận Ba Đình) bị đổ sập khiến nhiều người bị vùi lấp, trong đó có 2 người tử vong.
Nhà 3 tầng ở 43 Cửa Bắc, Hà Nội đổ sập hôm 4/8.
Trước đó, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ sập nhà gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những ngôi nhà cao từ 2-5 tầng, thậm chí cả biệt thự Pháp cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo bất ngờ đổ sập cướp đi mạng sống nhiều người dân. Nguyên nhân phần lớn là do nhà cũ nát hoặc thi công, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, không ai mong nhà sập nhưng việc sập nhà ở Hà Nội là điều không bất ngờ. Vị này lý giải, đặc trưng của Hà Nội không phải là khu đô thị mà nhà phố có rất nhiều loại công trình xây tựa vào nhau, xây chen vào nhau.
Nó như rừng cây, cây nào cũng muốn vươn cao, còn cây yếu thì bị đổ. Không thể trách người dân bởi mỗi người mỗi cảnh, có nhà xây từ lâu với tuổi thọ lâu đời nhưng không phải ai cũng đập đi xây lại được. Cho nên ở đây cơ quan quản lý không chỉ là quản trên những văn bản mà phải rất cụ thể từng ô phố.
Thậm chí tiến tới là phải kiểm soát từng số nhà, lai lịch xây dựng, thiết kế của các công trình. Theo ông Tùng, ở nước ngoài, cơ quan quản lý đều có dữ liệu về lai lịch, thiết kế của từng ngôi nhà, tuyến phố. Còn ở đây nhà đổ sập rồi mới cãi nhau, cái đó là chúng ta đi giải quyết hậu quả chứ không phải ngăn ngừa. Hà Nội phải coi ngôi nhà như một bệnh nhân, phải có sổ y bạ cho từng ngôi nhà.
Ngay tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra con số làm cho nhiều người phải giật mình. Khi mà hiện trên địa bàn có 1.597 tòa nhà chung cư cũ và hơn 200 địa điểm chung cư rời lẻ.
Thế nhưng, trong vòng 15 năm qua, mới cải tạo được 14 tòa chung cư (chưa đến 1%). Ông Chung cũng đã phải thốt lên, thực sự là lãnh đạo thành phố rất run khi người dân ở những khu chung cư rất cũ nát. Nếu chẳng may thiên tai địch họa thì sẽ có những vấn đề khôn lường.
Chúng ta cảm thấy bình an thế thôi nhưng chẳng may có vấn đề gì liên quan thiên tai địch họa là điều rất đáng lo. Các nước đã có bài học rồi, làm sao mà lường được hết những chuyện đó.
Do vậy, theo ông Chung thời gian tới, Hà Nội không đánh giá mức độ nguy hiểm của các tòa nhà làm tiêu chí cải tạo chung cư cũ mà lấy thời hạn sử dụng làm nguyên tắc để xây dựng lại. Mong rằng, quan điểm, nỗi lo sợ của lãnh đạo thành phố sẽ được thực hiện để nhiều người dân Thủ đô không phải run sợ trước cảnh sập nhà nữa.
Tú Anh (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.