Nguyên nhân của sự việc này không chỉ vì dân nghèo, mà một phần đến từ những văn bản hành chính của nhà nước.

Đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính, hiện người dân tỉnh Đắk Lắk đang nợ thuế tới gần 600 tỷ đồng.

Ông Cao Quang Diễn, Trưởng phòng quản lý đất đai, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc không thực hiện nghĩa vụ tài chính là một trong những lý do khiến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình cá nhân mới đạt 82% diện tích cần cấp. Hầu hết những diện tích này thuộc vùng khó khăn, dân nghèo không có tiền nộp thuế.

Theo ông Cao Quang Diễn, người dân không đồng tình với Chỉ thị 1685/2011 của Chính phủ, quy định những diện tích đất thổ cư sử dụng ổn định trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực nhưng nguồn gốc chưa hợp pháp thì phải nộp 40% nghĩa vụ thuế, khiến họ thiệt thòi vì không được miễn toàn bộ thuế như những hộ đã làm sổ đỏ trước đó. Nếu quá 2 tháng mà dân không nộp tiền theo thông báo, ngành thuế sẽ ghi nợ, tính lãi suất quá hạn.

Để giải quyết tình trạng dân nợ tiền sử dụng đất tới gần 600 tỷ đồng, ông Cao Quang Diễn đề nghị, thay vì tính lãi suất nợ quá hạn, nhà nước nên tính theo khung giá đất tại thời điểm nộp thuế, và giảm trừ một tỷ lệ nhất định để khuyến khích họ nộp sớm: “Chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách về thu tiền sử dụng đất đối với diện tích mà các hộ dân đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, theo hướng là xác định thời điểm sử dụng đất chứ không xác định nguồn gốc sử dụng, tạo sự công bằng cho những người mà trước đây nhà nước chưa có điều kiện đo đạc giải thửa nay mới thực hiện để cấp giấy. Thứ hai, một số chính sách về nợ tiền sử dụng đất cũng nên điều chỉnh là miễn giảm một lần, tức là giảm 10% tại thời điểm người ta nộp, chứ không nên ghi nợ xong rồi mới thực hiện giảm 2%, tạo ra thủ tục hành chính mà không khuyến khích họ nộp nghĩa vụ thuế”.

Minh Huệ (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.