Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (còn gọi là quốc lộ 3 mới) là một trong sáu tuyến cao tốc loại A, đang được xây dựng theo quy hoạch với tổng vốn đầu tư hơn 8 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường được khởi công từ ngày 24-11-2009, nhưng tới nay đang có nhiều nguy cơ chậm tiến độ vì vướng phải giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dân ủng hộ nhưng…

Theo thiết kế, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên rộng 34,5m và dài hơn 61km có điểm đầu là quốc lộ 1A mới, thuộc xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) và điểm cuối là tuyến đường tránh thuộc thành phố Thái Nguyên (tại km 61+300). Tuyến đường đi qua Hà Nội, Thái Nguyên và một đoạn ngắn đi qua tỉnh Bắc Ninh. Đây là một dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh vùng núi phía bắc, đặc biệt là Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Sau hơn ba năm khởi công, nhưng tới nay tuyến cao tốc này đang bị chậm tiến độ, trong đó có việc chậm bàn giao mặt bằng tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội...

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị chậm tiến độ
do không giải phóng được mặt bằng.
Theo các cán bộ của Bộ GTVT, chúng tôi lên Trung Giã (Sóc Sơn) vào một ngày cuối năm 2012. Tại gói thầu PK2, hình hài của con đường cao tốc đã hiện lên khá rõ nét. Tuy nhiên, ở vị trí thôn Hòa Bình, (Trung Giã) vẫn còn lô nhô những mái nhà, khu vườn chắn ngang tuyến đường. Nhìn cả mặt bằng của con đường cao tốc đang "bị chặn đứng" bởi mấy chục nóc nhà mới cảm thông được với những nỗi bức xúc của các đơn vị thi công. Kỹ sư cầu đường Nguyễn Đăng Thực (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn), phụ trách thi công mặt bằng dự án thuộc gói thầu PK2 cho biết: Trong khi đoạn qua Thái Nguyên không bị vướng về GPMB thì ở Hà Nội lại bị tắc ở Sóc Sơn. Việc chậm nhận mặt bằng đã kéo dài gần 7 tháng, trong khi đoạn đường thuộc gói thầu PK2 chỉ còn khoảng 600m đường (tương đương khoảng 24.000m2 diện tích) và chỉ còn hơn 60 hộ dân ở thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, Sóc Sơn phải di dời. Thiếu mặt bằng "sạch" khiến tiến độ thi công sẽ bị chậm khoảng 6 tháng, phát sinh thêm nhiều lãng phí không đáng có. Đấy là chưa kể con đường chậm được đưa vào khai thác sẽ làm thiệt hại thêm một khoản ngân sách nữa do mất nguồn thu...

Qua tìm hiểu tại các gia đình có nhà chưa di chuyển tại thôn Hòa Bình, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là người dân ở đây không hề chống đối, mà ngược lại còn đang mong muốn được GPMB càng nhanh, càng tốt (!?). Ông Cao Văn Phúc (người đã từng 2 khóa làm phó thôn Hòa Bình) cho biết: Tâm tư của bà con, cũng như chính quyền thôn, xã đều muốn được đền bù, GPMB càng nhanh, càng tốt, nhưng không hiểu sao Ban GPMB huyện Sóc Sơn làm chậm và đến nay bà con chưa có nơi nào để chuyển tới. Việc kê khai, làm thủ tục đều đã hoàn tất, nhưng việc hỗ trợ, đền bù mới chỉ được thực hiện "trên giấy"! Hơn nữa, hầu hết diện tích của các hộ dân ở đây đều là đất thổ cư nên khi di chuyển sang chỗ mới người dân yêu cầu phải có mặt bằng sạch, có điện, nước, bảo đảm cuộc sống ổn định, lâu dài...

Gia đình anh Đào Văn Quyền (có 400m2 thuộc diện GPMB cho biết, chậm GPMB tại đây không phải do dân. Gia đình tôi chỉ cần nhận tiền đền bù đúng quy định, có đất tái định cư là sẽ di chuyển ngay..." - Anh Quyền khẳng định.

Thiếu đất tái định cư

Chiều ngày 8-1-2013, ông Hồ Việt Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Người phụ trách lĩnh vực GPMB của huyện là ông Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện và bộ phận chuyên môn trực tiếp giải quyết vấn đề này là Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn. Sau khi liên lạc không được với ông Tạ Văn Đạo, PV Báo Hànộimới đã tới làm việc tại Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn. Trước thực trạng lình xình về GPMB của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn thừa nhận, tiến độ GPMB trên địa bàn bị chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, nếu tính tới ngày 8-1-2013, huyện Sóc Sơn đã bàn giao cho đơn vị thi công được 113,1ha trên tổng số 115ha cần thu hồi tại các xã Bắc Phú, Tân Minh và Trung Giã, đạt hơn 98% diện tích kế hoạch...

Lý giải về việc chưa thu hồi đất và chưa di chuyển được hơn 60 hộ dân ở xã Trung Giã, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Trung Giã chỉ còn 58 hộ dân với khoảng 1,64ha đất cần phải thu hồi, GPMB (một số hộ đã chọn phương án nhận tiền và tự lo nơi tái định cư - PV). Nguyên nhân chủ yếu là việc tìm và bố trí nơi tái định cư mới cho người dân bị chậm. Mãi tới đầu tháng 1-2013, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội mới phê duyệt Dự án xây dựng Khu tái định cư Trung Giã (1,95ha) tại thôn Phong Mỹ, Sóc Sơn. Sau khi phê duyệt xong còn một loạt thủ tục như phê duyệt đấu thầu, chọn nhà thầu, xây dựng hạ tầng... Như vậy, sẽ phải mất thêm không ít thời gian nữa mới có thể xây dựng xong trong khi lại chưa có phương án tạm cư cho người dân. Ngoài ra, tại Phong Mỹ còn khoảng 65 ngôi mộ chưa di chuyển cũng đang gây ảnh hưởng tới việc xây dựng khu tái định cư. Dự kiến sớm nhất cũng phải tới tháng 3-2013 mới có thể giao xong toàn bộ mặt bằng.

... và bất cập từ chính sách

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, giữa chính sách và thực tế còn có những bất cập nên phần nào đã gây khó khăn cho địa phương trong việc thu hồi đất, GPMB. Đơn cử như việc áp dụng chính sách bồi thường theo Nghị định 69/2009 của Chính phủ (trong đó có thêm tiền hỗ trợ chuyển đổi việc làm) đã tăng kinh phí bồi thường lên nhiều lần và một số hộ dân đã nhận tiền đền bù quay lại gây cản trở, đòi được bổ sung tiền hỗ trợ theo chính sách mới... khiến địa phương mất nhiều thời gian, công sức trong việc giải quyết hỗ trợ và giải thích, tuyên truyền, vận động. Hoặc như về quy mô của khu tái định cư đáng ra phải được xây dựng từ dưới lên, nghĩa là trước tiên phải đưa ra thông tin về chính sách để người dân lựa chọn (nhận tiền hỗ trợ, hay nhận đất tái định cư). Từ đó mới tính được bao nhiêu hộ nhận đất để xây dựng quy mô cho khu tái định cư, rồi trên cơ sở đó tính ra được giá tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, quy trình này lại được tiến hành ngược lại: Việc xây dựng quy hoạch khu tái định cư được làm trước, không sát với nhu cầu thực tế của người dân... Theo ông Thắng, một bộ phận người dân cũng chưa tích cực ủng hộ chính quyền trong việc tham gia đẩy nhanh tiến độ GPMB cho Dự án quốc lộ 3 mới. Ví dụ như gần 20 hộ dân của thôn An Lạc (Trung Giã) đều không trả lời và không nộp lại phiếu điều tra do Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn cấp, gây khó khăn cho chính quyền trong việc tìm hiểu, điều tra và quản lý đất đai...

Theo kỹ sư Nguyễn Đăng Thực tại địa bàn Hà Nội, đơn vị chỉ đảm nhiệm hơn 5km đường và mố cầu Phù Lôi thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, nhưng hiện tại vẫn thiếu mặt bằng thi công vì vướng nhà dân. Nếu đúng như dự kiến của huyện Sóc Sơn (tới tháng 3-2013 sẽ bàn giao xong toàn bộ mặt bằng) thì kế hoạch thông đường vào tháng 6-2013 sẽ khó thực hiện được. Tuy nhiên, cho tới nay, xem ra số gần 2% khối lượng mặt bằng cần giải phóng còn lại ít ỏi của Sóc Sơn vẫn đang là vấn đề nan giải.
Theo Quang Anh (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.