Chung cư Tân Phước, phường 8, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đang xuống cấp nghiêm trọng.
"Nhà cũ đổi nhà mới"- chuyện khó tin nhưng có thật
Ðã mấy tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thi Hoa, ngụ tại lô IV, chung cư Thanh Ða vui như mở hội bởi được quận Bình Thạnh thông báo sẽ được nhận căn hộ tái định cư mới ngay tại vị trí mà gia đình đang cư ngụ. Vui hơn, trong thời gian giao nhà để chờ tái định cư, toàn bộ số tiền tạm cư sẽ được nhà nước hỗ trợ. Như vậy là nỗi hoang mang khi bị giải tỏa đền bù đã tan biến, niềm vui vì sắp được thoát khỏi cảnh nằm ngủ mà cứ giật mình thon thót vì chung cư xuống cấp. Chị kể, gia đình có sáu nhân khẩu, hơn mười năm sống ở chung cư là hơn mười năm lo lắng vì chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Muốn di dời nhưng không biết đi đâu nên đành đánh cược với mạng sống.
Tương tự, ông Triệu Xuân Xanh, hiện thuê căn hộ số 020 lô VI, bức bối: Hơn mười năm nay, năm nào cũng có thông tin sẽ giải tỏa chung cư, di dời các hộ dân, nhưng cuối cùng lại không di dời. Người dân chúng tôi hoang mang lắm. Gần mười năm nay, lô VI không được tu sửa ống nước, nạo vét cống, vệ sinh môi trường cũng vì chủ trương sắp di dời khiến đời sống của mọi người đã khó càng thêm khó. Trong khi Nhà nước kết luận chung cư này là chung cư cũ, hư hỏng nhưng lại thu tiền thuê nhà theo giá chung cư hạng 2.
Không chỉ tại lô IV, nhiều người dân sinh sống tại lô VI chung cư Thanh Ða khi tiếp xúc với chúng tôi cũng cho biết, nhà của họ xuống cấp từ nhiều năm nay. Những căn hộ tầng trên bị nghiêng ngày càng nặng, những căn hộ tầng trệt thì bị triều cường ngập sâu nhiều tấc. Cả hai lô chung cư này được đánh giá là cũ, hư hỏng, cần di dời khẩn cấp nên UBND quận Bình Thạnh đã ngừng việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho các hộ dân đang thuê từ nhiều năm trước. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Dương Hồng Thắng cho biết, hai lô chung cư IV và VI Thanh Ða được xây dựng từ năm 1960, có tổng cộng khoảng 299 căn hộ. Ngay từ năm 1996, hai lô chung cư đã được Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn kết luận là có độ nghiêng lún, mất ổn định, cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư xây dựng mới các lô chung cư ở Thanh Ða gặp rất nhiều khó khăn do nhà đầu tư không thấy lợi nhuận.
Hiện nay, quận đã xây dựng kế hoạch, phương án di dời khẩn cấp, bố trí tạm cư cho người dân tại hai chung cư nêu trên. Ðiểm mới nhất khiến người dân phấn khởi và sẵn sàng bàn giao mặt bằng tại dự án xây mới chung cư Thanh Ða lần này là người dân sẽ được bố trí tái định cư bằng căn hộ có diện tích bằng hoặc lớn hơn căn hộ cũ mà không phải bù thêm tiền. Với những hộ có đông người và khó khăn về nhà ở, ngoài suất tái định cư còn được xem xét bán thêm một căn nữa. Những trường hợp tái định cư tại chỗ thì được Nhà nước lo tiền tạm cư. Sau khi dự án xây mới chung cư được hoàn thành, họ sẽ được bố trí đúng căn hộ như vị trí nhà cũ và không phải trả thêm tiền nếu diện tích nhà mới lớn hơn nhà cũ. Những người dân đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước cũng sẽ được giải quyết bán nếu đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61-CP.
Với phương án nêu trên, thời điểm phải di dời dân theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh là vào ngày 30-6-2014. Quận Bình Thạnh cho biết, hiện có 276 trên tổng số 299 hộ đồng ý với phương án, số còn lại chưa trả lời chính thức. Tâm nguyện của người dân hiện nay là đề nghị quận sớm thông báo danh sách các hộ đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61-CP và Nghị định 34/2013/NÐ-CP về việc quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước để dân yên tâm.
Xã hội hóa đầu tư: Dân vui, chính quyền phấn khởi
Theo kế hoạch đề ra, từ nay đến 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ di dời, tháo dỡ 70 lô chung cư cũ với hơn 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa ba lô chung cư với quy mô 10 nghìn m2 sàn. Ðồng thời, thành phố sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 lô chung cư cũ với quy mô khoảng hơn 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn. Ngay trong năm 2014, thành phố sẽ hoàn thành, giải phóng mặt bằng 18 lô chung cư, khởi công xây mới 22 lô chung cư; năm 2015, hoàn thành giải phóng mặt bằng 32 lô chung cư, khởi công xây mới 32 lô chung cư. Dù kế hoạch đã vạch ra như vậy, song phần lớn dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn và tiến độ gần như "giẫm chân tại chỗ". Ðiển hình như tại địa bàn quận 10, hiện có 25 lô chung cư cũ, tập trung ở phường 2, 3, 7 và 9. 25 lô chung cư này có diện tích 6,6 ha với tổng số 3.388 hộ dân cần di dời. Thế nhưng, theo lãnh đạo quận 10, kế hoạch tháo dỡ gặp rất nhiều khó khăn: Hiện phường 2 có 16 lô chưa giải tỏa được, phường 3 đang giải tỏa, phường 7 mới giải tỏa một phần tại 5 lô chung cư Nguyễn Kim, phường 9 chưa thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Ðức Trọng cho biết, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp và chính sách bồi thường giải tỏa chưa hợp lý là hai lý do chính khiến chủ trương cải tạo chung cư cũ bị ngưng trệ. Ðể giải bài toán vốn phải tích cực xã hội hóa đầu tư. Ðể dân đồng ý giao mặt bằng phải có chính sách hợp lòng dân áp dụng chung trên toàn địa bàn thành phố.
Ðem vấn đề này trao đổi với Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn, chúng tôi được biết, sắp tới không chỉ có dự án xây mới chung cư Thanh Ða được áp dụng chính sách "nhà đổi nhà" mà TP Hồ Chí Minh sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều dự án khác. Hiện nay thành phố đã giao cho Sở Xây dựng hoàn thành dự thảo về "Cơ chế, giải pháp thực hiện cải tạo, sửa chữa, xây mới các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố" để hiện thực hóa những giải pháp được lòng dân này.
Sở Xây dựng cho biết, Sở sẽ công khai danh mục các chung cư cũ kèm theo thông tin về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, pháp lý, tình trạng sở hữu nhà... trên các phương tiện thông tin đại chúng để kêu gọi đầu tư. Về phía các chủ đầu tư cũng sẽ có những ưu đãi như, các chủ đầu tư được hỗ trợ 50% lãi vay với mức tiền không quá 100 tỷ đồng trong ba năm; được áp dụng thuế suất 0% với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ trong năm năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Thành phố cũng sẽ miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả diện tích đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án. Riêng những chung cư không đủ diện tích xây mới, cũng không thể mở biên, không kêu gọi xã hội hóa được thì UBND quận, huyện có thể chuyển đổi từ chức năng nhà ở sang thương mại, dịch vụ và đưa ra bán đấu giá. Tiền bán đấu giá dùng để mua lại quỹ nhà tái định cư và bồi thường cho các hộ dân bị di dời giải tỏa.