Trong khi hàng nghìn người dân “đói” căn hộ thì tình trạng dư thừa xảy ra ở hầu hết khu dân cư cao cấp, nhiều căn hộ chung cư vẫn đóng cửa im ỉm. Sự bất cập về cung – cầu nhà ở là vấn đề không còn mới mẻ và không biết đến khi nào khoảng cách này mới được rút ngắn.
Dân “đói” căn hộ nhưng dư thừa nhà chung cư cao cấp?

Hàng nghìn căn hộ “bỏ không”?

Theo thống kê của Savill Việt Nam, hiện trên thị trường BĐS có khoảng 10.500 căn hộ chưa có chủ trong khi đó cầu về nhà ở vẫn rất cao. Từ đầu năm 2011 đến hết tháng 9 năm nay, có khoảng 21.800 căn hộ để bán được tung ra thị trường. Như vậy, nguồn cung từ đầu năm đến hết quý 3/2011 là khá lớn so với các năm trước. Nhưng đi liền với đó, lượng căn hộ chưa bán được ước tính lên đến khoảng hơn 10.000 căn.

Dự báo về thị trường căn hộ trong quý 3 của Savill cũng cho thấy, với lượng căn hộ tăng khá mạnh khoảng 9600 căn, mặc dù lượng hàng bán ra khá tốt nhưng cũng chỉ đạt 32%. Như vậy, lượng căn hộ còn tồn trên thị trường ước tính còn khoảng 6.500 căn. Với tốc độ tăng nhanh như vậy, dự báo trong thời gian tới nguồn cung ứ đọng trên thị trường sẽ tăng nhanh với hàng loạt các dự án lớn tiếp tục bán hàng để huy động vốn.


Cũng theo dự báo từ phía Savill, ước tính sẽ có 67 dự án sẽ gia nhập vào thị trường trong khoảng 3 năm tới, 15 dự án xác định với khoảng 11.000 căn hộ có thể được mở bán trong những tháng cuối năm 2011 này.


Bao giờ cầu gặp cung?

Một khảo sát của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có khoảng 5% người dân thành phố có khả năng mua các BĐS cao cấp. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh lại "chen chân" vào phục vụ đối tượng ít ỏi này.


Trong khi đó, số lượng nhà ở dành cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp lại chưa được đầu tư nhiều. Thị trường căn hộ cho thuê cũng bị bỏ ngỏ. Còn lượng căn hộ dành cho nhóm đối tượng có thu nhập trung bình, tuy không phải là ít nhưng rất nhiều người lại không thể tiếp cận được mặc dù nhu cầu là rất lớn.


Rất ít người dân có thể tiếp cận được với các thông tin về dự án mà họ quan tâm một cách đầy đủ, chính xác. Các thông tin về quy hoạch, giá bán, chính sách bán hàng, hỗ trợ từ phía ngân hàng không được các chủ đầu tư cập nhật đầy đủ và công khai.


Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report đã đưa ra báo cáo về “Đánh giá nhu cầu nhà ở và các yếu tố quyết định hành vi vay vốn mua nhà của người dân trên địa bàn HN và xu hướng thị trường nhà ở năm 2011”. Theo kết quả 400 điều tra tại thị trường HN cho thấy, 45% người mua nhà có kế hoạch đi vay ngân hàng, 25% có kế hoạch tự mua bằng tiền của mình. 30% có kế hoạch vay mượn từ các nguồn khác. Hai loại hình BĐS là chung cư và đất nền vẫn là lựa chọn số một. Trong đó, 47% những người có thu nhập trung bình dưới 20 triệu đồng/tháng chọn mua nhà chung cư, 26% chọn mua nhà xây trên nền móng riêng và đất để tự xây. Những người có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng đa số chọn tỷ lệ vay dưới 20% giá trị ngôi nhà. Đối với những người có thu nhập trong các khoảng trên 20 triệu đồng/tháng chủ yếu chọn tỷ lệ vay từ 30- 50% giá trị ngôi nhà. Tuy nhiên, việc tín dụng BĐS bị thắt chặt như hiện nay khiến người dân gặp quá nhiều khó khăn khi vay vốn ngân hàng bởi các điều kiện tài sản thế chấp hoặc người mua không chứng minh được thu nhập…


Vài tháng trở lại đây, giá bán căn hộ tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức quá cao do nhiều nguyên nhân như thời gian xây dựng kéo dài, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, chi phí giá thành bị đội lên nhiều lần. Ngay cả đối với những người có nhu cầu thực, sức mua của các đối tượng này lớn nhưng lãi suất hiện này còn ở mức cao khiến họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.


“Hiện gia đình chúng tôi cũng đang có nhu cầu mua chung cư. Tuy nhiên, chất lượng của các khu chung cư bây giờ tôi cảm thấy không đảm bảo, chất lượng thấp và tiến độ giao nhà thường là chậm so với cam kết. Các chung cư cao cấp, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành quá cao. Với thu nhập như chúng tôi hiện nay, có lẽ chuyện mua nhà vẫn là rất xa vời”, - chị Thu Hiền chia sẻ.


Có thể thấy, tín dụng ngân hàng có vai trò rất quan trọng đối với thị trường nhà ở, là cầu nối cho cả nhà đầu tư và người có nhu cầu thực. Nhưng hiện nay, các chủ đầu tư và những người bán nhà lại chủ yếu tập trung vào bán nhà cho nhà đầu tư mà chưa có những chính sách nhắm đến người có nhu cầu thực.


Mặc dù dấu hiệu hồi phục kinh tế đã xuất hiện nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát rất chặt chẽ đối với các khoản vay BĐS và giới hạn các khoản tín dụng làm cho nhà đầu tư khó có cơ hội tham gia thị trường. Việc nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu nhà ở trong dân vẫn rất cao là bài toán không chỉ dành riêng cho các chủ đầu tư. Vì vậy, để người tiêu dùng có thể tiếp cận được với những căn nhà phù hợp với khả năng chi trả của họ rất cần các doanh nghiệp có những chính sách bán hàng, hậu mãi, ưu đãi, liên kết với ngân hàng hỗ trợ lãi suất, thời gian thanh toán… cho người mua.


Theo Thảo Nguyên (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland