Chung cư tiền tỷ phải sử dụng nước bẩn
Ngày 23-6, có mặt tại tòa CT2, chung cư Nam Đô, nhiều cư dân ở đây rất bức xúc cho biết họ phải sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh trong thời gian dài. Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng ban Liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô giãi bày: "Ngay sau khi nhận bàn giao căn hộ và dọn về sinh sống, chúng tôi đã phát hiện nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, bằng mắt thường có thể thấy nước không trong. Trước tình trạng này, một số người dân đã lấy mẫu để xét nghiệm ở nhiều cơ quan khác nhau và kết quả cho thấy nước sinh hoạt bị nhiễm độc nặng. Đáng lo ngại nhất là hàm lượng asen và amoni cao quá mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Tòa nhà CT2, chung cư Nam Đô.
Chị Hoa, sinh sống ở tầng 7, khu CT2 rất lo lắng về chất lượng nguồn nước khi sử dụng cho 2 con nhỏ sinh đôi mới được hơn 4 tháng tuổi, dù gia đình đã mua thêm bình lọc nước. Chị Hoa cho biết: "Kể từ khi dọn về đây ở vào thời điểm cuối năm 2013, tôi thấy nước để lâu trong chậu là có hiện tượng lắng cặn, ngửi có mùi hôi. Đáng sợ nhất là khi mở nắp bồn cầu nhà vệ sinh, bên trong có một lớp như bùn, màu đen ngòm bám vào các thiết bị. Thấy tình hình như vậy nhà tôi phải mua máy lọc nước về để sử dụng cho con nhỏ và sinh hoạt hằng ngày". Nhưng ngay cả lõi lọc thô đầu tiên của máy lọc nước, theo khuyến cáo của nhà sản xuất bình thường phải 3 đến 4 tháng mới thay một lần, thì người dân ở Nam Đô chỉ sử dụng được một tháng là phải thay.
Tiếp tục đổ lỗi cho nhau
Trước những lùm xùm xung quanh chất lượng nước cung cấp tại tòa nhà Nam Đô, ngày 18-4-2014, Sở Y tế Hà Nội đã lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Ngày 24-4-2014, trước sự chứng kiến của đại diện Ban Quản lý dự án, Ban Liên lạc tòa nhà, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai... đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 5 mẫu xét nghiệm, trong đó có 1 mẫu nước trước bể, 2 mẫu nước bể ngầm và 2 mẫu nước tại các hộ dân để mang đi xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng - Sở Y tế Hà Nội. Ngày 8-5-2014, đoàn thanh tra liên ngành đã có buổi làm việc với đại diện Công ty GPI và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội để thông báo kết luận thanh tra. Theo đó, kết quả kiểm nghiệm đối với 5 mẫu nước tại các điểm cho thấy, chất lượng nước trước bể đều có các chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu nước tại bể ngầm CT1 và CT2 và mẫu nước lấy tại các hộ dân đều có chỉ tiêu nitrit/nitrite vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng ăn uống. Đoàn thanh tra kết luận: Nguồn nước từ bể ngầm CT1, CT2 cung cấp cho các hộ dân sống tại tòa nhà Nam Đô không bảo đảm; yêu cầu phía Công ty GPI tạm dừng cung cấp nước từ các bể không bảo đảm chất lượng cho các hộ dân sử dụng; triển khai ngay các biện pháp khắc phục và chỉ được phép cung cấp cho dân khi nguồn nước bảo đảm chất lượng theo quy định…
Nhằm làm rõ hơn những thông tin nêu trên, ông Phạm Việt Phương - Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cho biết: "Tháng 10-2013, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai ký hợp đồng với Công ty GPI, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 400 hộ dân sinh sống tại tòa nhà Nam Đô với sản lượng khoảng 400m3/ngày đêm. Theo đúng quy định, đơn vị chỉ chịu trách nhiệm cung cấp nước đến đồng hồ tổng. Tháng 12-2013 và tháng 4-2014, Công ty GPI hai lần có công văn gửi Xí nghiệp, phản ánh về tình trạng chất lượng nước không bảo đảm. Ngay lập tức, chúng tôi đã cử đoàn cán bộ xuống hiện trường lập biên bản kiểm tra. Sau khi đem mẫu nước đi phân tích tại Viện Khoa học môi trường và sức khỏe cộng đồng, các thành phần hóa, lý đều đạt yêu cầu. Chúng tôi khẳng định, chất lượng nước trước bể do Xí nghiệp cung cấp là hoàn toàn bảo đảm chất lượng".
Tuy nhiên, trái với những quan điểm của đại diện Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai và những kết luận của đoàn thanh tra, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Công ty GPI lại cho rằng, việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại tòa nhà Nam Đô không thuộc lỗi của chủ đầu tư. Chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy Công ty lý giải như thế nào về kết luận của thanh tra liên ngành và kết quả kiểm nghiệm mẫu nước do Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cung cấp? Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty GPI khẳng định: "Kết luận của thanh tra liên ngành là không khách quan. Theo tôi, chắc chắn vấn đề nằm ở nguồn nước của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai. Để bắt lỗi cơ quan quản lý nhà nước là việc rất khó, có lẽ phải có một đơn vị kiểm định độc lập từ nước ngoài mới có một kết luận khách quan...". Tuy không thừa nhận nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước như kết luận thanh tra và kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chuyên môn, song ông Dũng cho biết, phía Công ty vẫn quyết định chi tới 4 tỷ đồng để lắp đặt 4 giàn lọc, nhằm cung cấp nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng cho dân cư tòa nhà Nam Đô trong thời gian tới.
Ngay trong sáng 23-6, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến đại diện Công ty GPI, Ban Liên lạc tòa nhà và Ban Quản lý tổ hợp chung cư đã mời đơn vị kiểm định chất lượng bể nước xuống thực địa làm việc, xem xét bước đầu. Ngay tại bể nước, chúng tôi quan sát thấy có một số diện tích nhỏ bề mặt nền của bể bị bong tróc và đã được dọn sạch sẽ để các cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân. Theo đại diện GPI, thực hiện kết luận thanh tra của Sở Y tế, bể nước ngầm tại tòa CT2 đã được thau rửa, để khô ráo, trong những ngày tới sẽ chưa đưa nước vào bể để tiến hành kiểm định chất lượng độc lập, sớm tìm ra nguyên nhân gây ra nước bẩn theo như yêu cầu của cư dân tòa nhà.
-
Cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì nhưng tài khoản của chủ đầu tư không đủ tiền
Thông tin này được lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra tại buổi HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai mới đây về câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì tại Tòa nhà AZ Sky phường Định Công.
-
Bị tố làm khó cư dân, Vạn Phúc Group lên tiếng
Van Phuc Group vừa chính thức lên tiếng về vụ việc một người đàn ông ngoại quốc đăng tải video clip lên mạng xã hội tố tập đoàn này làm khó dễ cư dân khu đô thị Vạn Phúc. Những video này nhận được sự tương tác lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến t...
-
Chặn “ngòi nổ” của nhiều cuộc chiến tại chung cư
Dù đã có quy định pháp luật rõ ràng về cách quản lý, sử dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư tuy nhiên trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ đúng quy định. Tại nhiều dự án, khoản tiền này là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh chấp giữa cư ...