09/03/2021 5:10 PM
Tại Hà Nội, đất nền đang bị săn lùng để xây nhà bán lại, nhất là tại các quận xa trung tâm. Cách kinh doanh này đang mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải đơn vị nào cũng làm thực sự tốt.

Việc săn đất nền rồi xây nhà sẵn để bán không mới ở Hà Nội, tại các quận trung tâm, mật độ xây dựng đã kín từ nhiều năm trước, nên việc xây nhà trên đất không giấy tờ phổ biến hơn. Vài năm trở lại đây nó bắt đầu bùng nổ mạnh ở các quận xa trung tâm, bởi đất ở các quận này mới thực sự "sốt".

Theo anh T.M. (ở Thạch Bàn, Hà Nội) - một dân kinh doanh bất động sản Gia Lâm, Long Biên - gần đây, dân đầu tư xây nhà, bán nhà quanh khu vực này liên tục. Họ lùng sục khắp khu vực Long Biên để mua đất. Nhà cứ xây xong khoảng vài tháng là bán hết.

Hiện nay, đất Long Biên đang được nhiều dân kinh doanh bất động sản săn mua để xây nhà thương mại.

Chỗ nào có đất diện tích càng lớn thì dân đầu tư càng thích. Bởi theo anh M, đất có diện tích lớn thì chia ra bán càng có lãi và công xây dựng mất càng ít, vì xây nhà kiểu này ăn tiền công xá xây dựng nhiều.

"Ví dụ 1 căn nhà có diện tích 43m2 thì tiền đất sau thuế khoảng 2 tỷ đồng, nếu tính giá 45 triệu đồng/m2, tiền xây dựng khoảng 600 - 700 triệu đồng. Nhưng nhà hoàn thiện có thể bán ra khoảng 3 tỷ đồng. Một miếng đất cắt ra 4 - 5 căn như vậy thì chi phí sẽ giảm đi nhiều, lãi sẽ cao hơn" - anh M cho hay.

Cũng theo anh M, người mới thì thường làm nhỏ, bán 1 - 2 căn trước, khi nào dày vốn thì làm to. Khoảng 3 - 4 năm nay, lượng người nhảy vào sân chơi này tăng nhanh chóng mặt. Cứ hở ra khu nào có đất ở Long Biên đều được các "tay to" mua lại để xây.

Lãi tốt, nhưng không phải không có rủi ro, vì theo người này, nếu mua phải miếng đất không đẹp, hoặc vì lý do nào mà xây xong không bán được sẽ bị đọng vốn. Nếu đó là tiền ngân hàng thì áp lực trả nợ sẽ không hề nhỏ.

Đất trong phố nhỏ tại Hà Nội cũng được "săn" lùng.

Có rủi ro, nhưng việc kinh doanh này phát triển mạnh, bởi theo anh M, người có nhu cầu mua nhà ở đều ở các tỉnh lẻ. Họ không có thời gian và thường ngại việc xây dựng ở Hà Nội, vì có nhiều rắc rối liên quan tới hàng xóm, chính quyền.

"Ngoài ra, đối tượng khách này không thích mua nhà cũ vì đã xuống cấp. Do đó, họ tìm mua nhà thương mại mới xây và chỉ phải sắm thêm nội thất là có thể ở", anh M cho hay.

Rủi ro của dân đầu tư cũng không bằng của người mua nhà. Theo bà H (quận Long Biên, Hà Nội), cách đây 1 năm, bà bỏ ra 2,6 tỷ đồng để mua một căn nhà 34m2 theo dạng này. Tuy nhiên, nhà của bà chỉ sau một thời gian sử dụng đã thường xuyên bị thấm dột.

"Lý do là bởi nhà xây quá sát với dãy nhà sau nên không thể chát được. Tiền tôi đã giao hết mà không giữ lại để làm giao kèo, nên khi nhà có sự cố, gọi người bán đến xử lý rất khó khăn" - bà H cho hay.

Thậm chí, các lô đất tại các con nhõ nhỏ cũng rất có giá trị.

Chi phí xử lý thấm dột trên thị trường hiện nay cũng mất khoảng vài chục triệu đồng. Nếu xử lý tốt thì duy trì được khoảng chục năm, còn nếu làm qua loa thì chỉ được 5 năm là tình trạng thấm dột lại tái diễn. Sự cố này tưởng nhỏ, nhưng sẽ kéo theo rất nhiều phiền hà, rắc rối và gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống.

Trên thị trường, có rất nhiều nhà đầu tư uy tín, kinh doanh lâu dài, nhưng để tránh rủi ro, người mua nhà vẫn nên đi cùng những người có hiểu biết về xây dựng để tránh "tiền mất tật mang". Đặc biệt, người mua phải chọn lựa kỹ và tự kiểm chứng thông tin qua nhiều kênh trước khi quyết định đầu tư.

Thế Hưng (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.