Tuy không thể hấp dẫn như khi thị trường nóng sốt, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, các phiên đấu giá được tổ chức trong thời gian tới sẽ sôi động trở lại, thu hút sự quan tâm của cả người có nhu cầu thực và giới đầu tư.
"Ấm theo thị trường"
Ông Nguyễn Đình Huệ - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, các phiên đấu giá đất ngày càng đông người tham gia hơn. Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá cao hơn số thửa đất 3 - 5 lần, vượt cả mong đợi của Ban tổ chức. Các phiên đấu giá gần đây sôi động hơn hẳn bởi ngoài những người có nhu cầu thực còn có các nhà đầu tư nhỏ lẻ, "cò" đất tham gia.
"Theo kế hoạch, từ ngày 12/6, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông sẽ mở bán hồ sơ đấu giá đất của các khu tái định cư Kiến Hưng, khu đấu giá Mậu Lương, khu tái định cư Dương Nội…, và sẽ tổ chức đấu giá vào các ngày 21/6 và 28/6. Tuy nhiên, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân chủ động gọi điện và trực tiếp đến Trung tâm để nắm bắt thông tin" - ông Huệ chia sẻ.
Trong khi đấu giá QSDĐ được cả người có nhu cầu thực lẫn giới đầu tư quan tâm, lại xảy ra trường hợp các quận, huyện "om" đất. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 40ha đất của 34 dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có thể tổ chức đấu giá ngay. Trước tình hình tồn đọng nhiều quỹ đất "sạch", lãnh đạo UBND TP nhận định, một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đấu giá; chưa nghiêm túc tham khảo, rút kinh nghiệm ở các đơn vị làm tốt. Thậm chí, một số đơn vị còn có tâm lý trông chờ thị trường BĐS ấm hơn mới tổ chức đấu giá…
Tăng trách nhiệm của địa phương
Theo UBND TP, đến thời điểm hiện tại, tình trạng nợ đọng, nợ quá hạn tiền đấu giá QSDĐ năm 2013 khá lớn. Cụ thể, các quận, huyện phải thu hơn 1.000 tỷ đồng nợ đọng, trong đó, số nợ quá hạn lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Để tránh trường hợp các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá từ chối không nhận quyền trúng đấu giá hoặc từ chối mua, các quận, huyện đã đưa những quy định cụ thể để ràng buộc người tham gia. Theo đó, các trường hợp này sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc trước, đồng thời, các quận, huyện sẽ tổ chức đấu giá lại vào một thời điểm khác.
Để công tác đấu giá QSDĐ đạt hiệu quả, giảm chi phí cho Nhà nước, các quận, huyện cũng đề xuất, về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, nên cho rút ngắn lại còn 30 ngày (gồm cả thời gian chậm nộp). Bởi, theo quy định hiện hành của UBND TP, nếu người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền theo đúng quy định và thửa đất ấy phải tổ chức đấu giá lại, phải mất thêm thời gian từ 3 - 6 tháng.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu giá QSDĐ. Đồng thời, giao Sở Tài chính chủ trì, đôn đốc, có giải pháp thu hồi các khoản nợ đọng, nợ quá hạn của các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá QSDĐ năm 2013. Đối với những địa phương để nợ đọng kéo dài, TP đề nghị tạm dừng giao dự án đấu giá QSDĐ và không tổ chức thêm các phiên đấu giá.Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng đồng ý về chủ trương ủy quyền, phân cấp cho UBND các quận, huyện căn cứ quy hoạch chung, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đấu giá. Trường hợp khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt đã có hạ tầng, TP sẽ cho phép tổ chức đấu giá. Riêng đề xuất ủy quyền cho địa phương phê duyệt giá sàn, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, không phù hợp với quy định của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá cũng phải đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị, do đó, hạ tầng kỹ thuật phải hoàn thiện, diện tích đất phải phù hợp, không ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.