Nhiều doanh nghiệp lớn ngành thép đang tăng cường mở rộng thị phần, trong khi các doanh nghiệp nhỏ trong ngành phải thu hẹp sản xuất.

Thị trường ảm đạm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong quý I/2012 chỉ đạt 1,144 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2011. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho rằng, nếu thị trường thép còn tiếp tục ảm đạm, thì mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2012 của ngành thép khó có thể đạt được.

Không chỉ khó khăn hơn về đầu ra, ngành thép còn đối mặt với chi phí đầu vào không ngừng tăng, đặc biệt là chi phí điện năng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện đối với ngành thép, với lý do là ngành điện đã bao cấp cho sản xuất thép tới 2.547 tỷ đồng trong năm 2010.

Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế sơ bộ chống trợ cấp 8,06% đối với sản phẩm thép hàn cac-bon nhập khẩu từ Việt Nam. Việc này gây thêm khó khăn không nhỏ doanh nghiệp ngành thép Việt Nam, đặc biệt khi công suất sản xuất thép trong nước đã vượt gấp đôi nhu cầu tiêu thụ.

Cơ hội phân chia thị phần

Trong khi các DN nhỏ gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị thu hẹp, thì một số doanh nghiệp thép lớn có thương hiệu tốt, công nghệ sản xuất tiên tiến, chủ động được nguồn nguyên liệu, quản trị tốt, hệ thống phân phối mạnh…, như HPG, POM, HSG…, lại đang tận dụng thế mạnh để gia tăng thị phần.

Tính đến hết quý I/2012, ở phân khúc thép xây dựng, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 25,8% thị phần, liên doanh với VNSteel chiếm 20,9% và khối ngoài VNSteel chiếm 53,3% thị phần, trong đó Công ty cổ phần Thép Pomina (POM) chiếm thị phần lớn nhất với 13,9%, Tập đoàn Hòa Phát chiếm 14,5%... Riêng phân khúc tôn thép (thép dẹt), Tập đoàn Hoa Sen chiếm 33%.

Ở phân khúc thép xây dựng, tuy POM chiếm thị phần lớn nhất, nhưng năm nay, POM thấy rõ những khó khăn của ngành thép đang gặp phải và một phần POM cần tới 6 tháng để quen dần với công nghệ sản xuất mới ở nhà máy luyện phôi Pomina 3, nên Công ty đã đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2012 không tăng trưởng về lợi nhuận, song tăng trưởng về doanh thu. Cụ thể, năm nay, POM dự kiến đạt doanh thu 14.400 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2011) và lợi nhuận 400 tỷ đồng (giảm 1% so với năm 2011).

Điều đáng nói là, POM đã tranh thủ lúc các doanh nghiệp nhỏ rơi rụng để đẩy mạnh gia tăng thị phần. Mặc dù mục tiêu lâu dài của POM là đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Lào, Campuchia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, song POM vẫn muốn giành thêm miếng bánh thị phần nội địa bằng cách mở rộng hệ thống phân phối tại miền Bắc. Đại diện POM cho biết, mặc dù mới vươn ra thị trường phía Bắc, nhưng năm 2011, thị phần của POM tại thị trường này đạt mức tăng trưởng tới 200%, chiếm 5%.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng tập trung nỗ lực gia tăng thị phần khi thị trường khó khăn. Trong năm 2011, thị phần tôn mạ của HSG tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó, giữ vững vị thế số 1 về thị phần tôn mạ trong nước, với 37,2% thị phần. Riêng mảng ống thép, thị phần của HSG tăng 2,4% so với cùng kỳ, chiếm 10,3% thị phần ống thép trong nước. Việc này đã đưa HSG vào top 5 DN dẫn đầu thị phần ống thép trong nước sau 3 năm gia nhập thị trường. Năm nay, bất chấp thị trường thép gặp khó khăn, HSG vẫn kỳ vọng lợi nhuận đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Riêng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang trong lộ trình phấn đấu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam. HPG có được lợi thế cạnh tranh hiệu quả cho sản phẩm thép của mình trong thời điểm giá điện tăng mạnh và thị trường ngoại tệ biến động, nên thị phần tăng từ 13,3% cuối năm 2011 lên 13,9% trong quý I/2012.

Như vậy, các doanh nghiệp thép lớn đang tranh thủ tận dụng tiềm lực sẵn có để gia tăng thị phần, bảo toàn kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường.
Theo Báo đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.