Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và công bố tiêu chuẩn quốc gia về xỉ luyện thép. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phối hợp cơ quan liên quan trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu mặt hàng xỉ luyện thép cho phù hợp.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép Việt Nam, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ vấn đề tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mã HS nghi ngờ lẩn tránh thuế tự vệ đối với thép cuộn nhập khẩu, báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016.
Về thuế nhập khẩu MFN đối với tôn màu, các cơ quan vẫn sẽ thực hiện như theo quy định hiện hành.
Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng: năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường, tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%.
Năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.