Theo ông Nguyễn Văn Đực, điều này cho thấy thị trường BĐS đã cực kỳ xấu và rất có thể trong thời gian tới sẽ còn có hàng loạt chủ đầu tư tuyên bố hạ giá nhà.
Cần chỉnh dòng tiền, giảm giá vào thời điểm này là quá muộn
Đầu tháng 9/2013, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vừa công bố sẽ giảm 50% giá căn hộ tại dự án khu biệt thự ven sông và nhà phố thương mại thuộc dự án The EverRich 3, TP.HCM. Giá chào bán dự kiến hiện ở mức 40 triệu đồng/m2, thay vì 80 - 100 triệu đồng/m2 như trước.
Trong khi đó, vào ngày 8/9, Tập đoàn Novaland cũng công bố mở bán giai đoạn 3 dự án Sunrise City tại TP.HCM với mức giá bán căn hộ giảm gần 50%, khoảng 27 triệu đồng/m2, thay vì gần 50 triệu đồng/m2 như trước.
Trao đổi với Đất Việt xoay quanh động thái của hai đại gia BĐS này, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Cty Soho Việt Nam, cho biết giá trước đây của dự án Novaland rơi vào khoảng 37 - 40 triệu/m2, chưa VAT, tùy từng loại.
"Tuy nhiên hiện nay, các dự án BĐS nói chung và 2 doanh nghiệp này nói riêng thì theo như tôi biết các doanh nghiệp này đang cần một dòng tiền. Họ đã đầu tư rất nhiều vào các dự án, bằng vốn của công ty cộng với vốn vay, cộng với tiền của khách hàng đã bỏ tiền mua trước đây... Và khi các doanh nghiệp không cân đối được dòng tiền thì sẽ phải bán đi, phải giảm giá.
Khi giảm giá, hàng của họ sẽ thanh khoản tốt hơn. Còn khi 2 doanh nghiệp này giảm giá 50% tức là so với mức giá cao nhất, chứ so với mặt bằng chung ở khu vực đó thì cũng chỉ ở mức đấy thôi. Vì khi họ đưa ra giá đó thì còn phải so với mức giá của các dự án xung quanh. Có thể khu xung quanh đó chỉ rơi vào khoảng 21 - 22 triệu/m2. Còn họ bán 27 triệu/m2 có thể vì vị trí của họ đẹp hơn" - Ông Cần cho biết.
Cũng theo ông Cần, với việc 2 đại gia BĐS giảm giá 50% đã phản ánh 2 điều.
"Thứ nhất là họ đang cần một nguồn tiền để tiếp tục đầu tư xây dựng. Khi có một dòng tiền mới của khách hàng đóng vào thì ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư tiền thêm. Ngân hàng tài trợ 70% thì anh phải có 30% tương ứng. Thứ hai phải giảm giá để tương đương với mặt bằng chung ở khu vực này, chứ không thể giảm quá hay đắt hơn nhiều quá..
Tuy nhiên, theo tôi việc giảm giá vào thời điểm hiện nay cũng đã là muộn. Đúng ra là phải giảm trước đấy, phải giảm cách đây 1 năm. Bởi vì dòng tiền là 1 lượng có hạn, còn khách hàng cũng là một lượng khách nhất định. Dự án nào giảm giá trước thì lượng tiền sẽ đổ về đó trước, còn dư ra thì mới đến các dự án sau. Cho nên 2 anh này giảm giá bây giờ vẫn là muộn" - Ông Cần nói.
Dự án Sunrise City của chủ đầu tư Novaland đã giảm giá căn hộ xuống còn 50% |
Sau 4 đại gia BĐS TP.HCM, tốc độ vỡ trận BĐS sẽ dồn dập hơn
Đồng ý kiến với ông Cần, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, sở dĩ hai đại gia Novaland và The EverRich 3 phải giảm giá dự án là bởi đang gặp khó khăn, rất cần tiền mặt.
"Tôi nghĩ, trước khi bình luận về hai đại gia mới tuyên bố giảm giá 50% giá nhà thì cần phải nhắc lại hai đại gia trước đó là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Quốc Cường Gia Lai (QCGL). Một bên thì tuyên bố rút khỏi thị trường BĐS vì càng làm càng lỗ. Một bên phải dùng tài sản cá nhân để vay vốn, tiếp tục cuộc chơi.
Bây giờ thêm hai đại gia nữa là Novaland và The EverRich 3 giảm một lúc 50%. Cả hai sự kiện này đều là hậu quả của BĐS đóng băng quá lâu, hậu quả của nhiều doanh nghiệp thiếu tiền mặt trầm trọng, bằng mọi giá phải có tiền mặt, kể cả vay của ngân hàng, hay như giảm giá 50% để có tiền mặt.
Và đây là những tín hiệu cực kỳ xấu cho thị trường BĐS, cực kỳ xấu cho nhiều doanh nghiệp BĐS. Ở chừng mực nào đó, tôi đánh giá hai đại gia Gia Lai giống như vỡ trận Phước Long, còn hai đại gia Novaland và The EverRich 3 giảm giá như là vỡ trận Buôn Mê Thuật. Và rất có thể, tiến độ vỡ trận sẽ dồn dập hơn vào những ngày tới. Điều đó cũng có nghĩa nhiều chủ đầu tư sẽ hạ giá nữa để có một điều kiện duy nhất là tiền mặt" - Ông Đực cho biết.
Cũng theo ông Đực, những dự án BĐS có giá bán 4 - 5 tỷ đồng hiện nay rất khó bán, không có người mua nên bắt buộc các chủ dự án phải kéo về dưới 2 tỷ đồng.
"Tôi đánh giá đây là 2 doanh nghiệp dũng cảm, dám nhìn nhận vào sự thật là sản phẩm của mình không phù hợp, tôi hoan nghênh hai doanh nghiệp này", ông Đực nói.
Bàn luận về việc giảm giá vào thời điểm này có phải là quá muộn không, ông Đực cho biết: "Nếu nói muộn thì phải nói là chính sách, Nghị quyết 02 ra đời quá chậm. Thời điểm cách đây 2 năm, nếu như Nhà nước có những biện pháp cải cách, chỉnh đốn từ năm 2011 thì may ra mới có tín hiệu tốt.
Tức là vào thời điểm đó đã có mầm mống bệnh, căn bệnh đã được thể hiện, thì nếu uống thuốc luôn vào lúc đó sẽ phù hợp hơn. Còn đến giữa năm 2013, rất nhiều doanh nghiệp đuối rồi thì liều thuốc đó là trễ.
Rõ ràng gói 30.000 tỷ vừa nhỏ lại vừa to. Nhỏ là so với hàng tồn kho BĐS, cho nên giải cứu BĐS bằng 30.000 tỷ là không hiệu quả. Tuy nhiên, khi đưa 30.000 tỷ vào thị trường thì lại không được thị trường tiếp thu.
Gần 3 tháng nay mới giải ngân được 100 tỷ, chỉ đạt 0,3% và coi chừng là không còn sản phẩm để vay nữa. Tức là tới đây sẽ bão hòa, vì không còn sản phẩm phù hợp nữa, khi đó gói này trở thành quá lớn.
Đây là một điều rất bất lợi. Thuốc đã rất yếu mà bệnh nhân không hấp thu được thì rõ ràng bệnh này không thể khỏi. Đáng lẽ ra khi mới có dấu hiệu thì đưa thuốc vào luôn còn cứu được, bệnh nhân còn tiếp thu được, nhưng bây giờ là quá muộn" - Ông Đực nhận xét.