03/04/2024 8:04 AM
Tên tuổi ông Dương Công Minh gắn liền với các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Him Lam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay hãng hàng không Bamboo Airways.

Trên thị trường chứng khoán, phiên sáng 2/4/2024, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank bất ngờ bị giảm mạnh. Đặc biệt, lượng giao dịch STB tăng vọt. Mới chỉ 1 tiếng đồng hồ giao dịch nhưng thanh khoản STB đã ở mức cao nhất trong hơn nửa năm trở lại đây. Cổ phiếu STB chốt phiên ngày 2/4/2024 giảm 1.200 đồng, tương ứng giảm 3,82% xuống 30.200 đồng.

Cổ phiếu STB của Sacombank bị bán tháo, giá rớt mạnh sau tin đồn ông Dương Công Minh, Chủ tịch nhà băng này bị cấm xuất cảnh.

Trưa ngày 2/4, Sacombank đã tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật về lãnh đạo. Ngân hàng này cho biết đang tiến hành các biện pháp cần thiết để xử lý theo quy định pháp luật, cũng như ngăn chặn các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo Sacombank.

Doanh nhân sinh năm 1960, gốc Bắc Ninh từ lâu được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam” nhưng trước đó từng có biệt danh “Minh Xoài”. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên Công ty Cổ phần Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.

Đế chế bất động sản Him Lam

Thành lập từ năm 1994, theo công bố từ Him Lam, công ty đã đầu tư và xây dựng cả trăm dự án nhà ở, khu du lịch và khu đô thị mới; tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Một trong những dự án “để đời” mà Him Lam đã thực hiện là khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô gần 60ha. Một hai năm trước, công ty bắt tay vào triển khai một loạt dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…

Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm của 2 đầu tàu kinh tế là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai. Năm ngoái Him Lam cũng khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.

Sân golf Tân Sơn Nhất.

Song song với việc đầu tư vào bất động sản, tập đoàn này còn là chủ đầu tư và đang điều hành hoạt động các trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh: Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Hoàng Mai III..., trong đó Trường Hoàng Mai I là trường đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài bất động sản, ông Minh còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng Liên Việt. Tại ngân hàng này, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.

Thương vụ thâu tóm lịch sử Sacombank

Tuy nhiên để tránh sở hữu chéo, trước khi có tên trong Hội đồng quản trị Sacombank, Him Lam của ông Dương Công Minh đã phải công khai chính thức thoái vốn khỏi Liên Việt và ngày thực hiện vụ này là 23/6/2017, chỉ cách đúng 1 tuần so với thời điểm ông nhận chiếc ghế nóng nhất ở Sacombank.

Sáng 30/6/2017, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã diễn ra, thu hút mọi sự chú ý của giới tài chínhngân hàng với tâm điểm là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam. Trong danh sách ứng viên vào HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021 được tiết lộ chỉ vài ngày trước khi Đại hội diễn ra, có tên ông Dương Công Minh (tự ứng cử). Và cổ đông sáng giá nhất cho chức Chủ tịch HĐQT Sacombank đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sacombank. Ông Minh đã ghi điểm với một vụ thâu tóm lịch sử.

Sacombank được gây dựng bởi ông Đặng Văn Thành (Tập đoàn Thành Thành Công). Sóng gió và sự xuất hiện của ông Trầm Bê cùng thương vụ sáp nhập với SourthernBank khiến tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng cao.

Năm 2017, ông Trầm Bê dính lao lý, đại gia bất động sản Dương Công Minh đã dần thiết lập quyền lực tại Sacombank.

Đầu năm 2018, một loạt sếp lớn ngân hàng - trong đó có ông Dương Công Minh - liên tiếp có các động thái thu gom cổ phiếu ngân hàng này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.

Việc ông Minh gia nhập Sacombank nằm ngoài dự đoán của rất nhiều người, bao gồm cả giới đầu tư sừng sỏ. Vì trước ông Minh, mọi đồn đoán vẫn hướng về cái tên Đặng Văn Thành cùng các nhóm cổ đông khác.

Phát biểu sau khi đắc cử Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, việc sáp nhập vào Phương Nam đã khiến ngân hàng có một số khó khăn, nhưng đồng thời đã giúp Sacombank hậu sáp nhập có được quy mô lớn.

Đề án xác định là tái cấu trúc trong 10 năm, nhưng Hội đồng quản trị mới họp đã thống nhất là sẽ giải quyết trong vòng 5 năm. Theo ông Minh, nợ xấu của ngân hàng chủ yếu nằm trong bất động sản đảm bảo, nếu xử lý nhanh vấn đề này thì sẽ sớm hoàn tất tái cấu trúc.

Dưới thời “tướng” Dương Công Minh, quy mô tổng tài sản của Sacombank tăng mạnh từ dưới 369.000 tỷ đồng trước năm 2018, lên đến gần 674.400 tỷ đồng vào cuối năm 2023 vừa qua. Tổng tài sản gia tăng, nợ phải trả cũng tăng mạnh, chiếm 93% tổng tài sản.

Đáng chú ý, quy mô tài sản, nợ tăng, nhưng Sacombank vẫn giữ nguyên vốn điều lên từ 2015 đến nay, ở mức 18.852 tỷ đồng – là một trong số ít các ngân hàng không tăng vốn trong nhiều năm liên tiếp.

Về tình hình kinh doanh, lợi nhuận của Sacombank đã có sự đột biến mấy năm trở lại đây, từ mức gần 1.200 tỷ đồng năm 2017 đã vượt 7.700 tỷ đồng năm 2023 vừa qua, tăng 53% so với số lãi hơn 5.000 tỷ đồng đạt được năm 2022.

Dấu ấn tại Bamboo Airways

Ông Dương Công Minh – nhà sáng lập của Him Lam – đã trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways kể từ tháng 8/2022.

Sự xuất hiện của ông Dương Công Minh cùng với việc Sacombank từng là chủ nợ lớn của hệ sinh thái FLC cho thấy rằng vai trò của ông Minh không chỉ là cố vấn mà còn đại diện cho nhóm cổ đông mới.

Ông Dương Công Minh (phải) đã trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways kể từ tháng 8/2022. Ảnh: BAV

Bamboo Airways được thành lập vào năm 2017, gắn liền với Tập đoàn FLC tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết. Hãng được Cục Hàng không Việt Nam trao chứng chỉ nhà khai thác bay và chính thức đi vào khai thác trên thị trường hàng không Việt Nam vào đầu năm 2019.

Song, vào tháng 4/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt đã dẫn đến nhiều xáo trộn tại FLC cũng như các doanh nghiệp liên quan.

Khác với Vietnam Airlines – hàng không truyền thống, Vietjet – hàng không giá rẻ, Bamboo Airways đi theo mô hình hybrid, kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không cước phí hợp lý. Doanh nghiệp kỳ vọng mang đến mức giá linh hoạt, chất lượng phục vụ đẳng cấp và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, mới đi vào vận hành được 1 năm thì dịch bệnh Covid-19 ập đến, Bamboo Airways cũng như nhiều hãng hàng không trên thế giới phải vận lộn để tồn tại, doanh thu giảm sút trong khi chi phí gia tăng.

Khi tiếp quản Bamboo Airways, ông Dương Công Minh muốn phát triển "thành hãng hàng không mang tầm châu Á". Ông mời các chuyên gia Nhật Bản tham gia vào Bamboo Airways. Đây cũng là nhóm tham gia tái cơ cấu thành công Japan Airlines - hãng bay phá sản đầu những năm 2010.

Gần đây, Sacombank và nhóm ông Dương Công Minh gặp khó với Bamboo Airways. Hãng hàng không này đang nợ lớn, thiếu tiền hoạt động và phải bán tàu bay, đóng nhiều đường bay...

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.