Trải qua một thời gian khó khăn của thị trường bất động sản, các đại gia địa ốc hiện đang phải đối mặt với bài toán nan giải - gánh nặng hàng tồn kho.

Thống kê hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản năm 2013. Số liệu: StoxPlus

Đứng đầu danh sách doanh nghiệp bất động sản có lượng hàng tồn kho lớn nhất chính là “ông lớn” Vingroup (VIC).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, tính đến 31/12/2013, lượng tồn kho của VIC lên đến 18.922 tỷ đồng. So với đầu năm, giá trị hàng tồn kho của tập đoàn này tăng 6,7%, chủ yếu do tăng giá trị bất động sản đang xây dựng để bán.

Số tồn kho này nằm chủ yếu ở lượng dự án đang xây dựng, bao gồm chi phí cho các căn hộ, trung tâm thương mại và biệt thự tại dự án Royal City, Times City, Vinhomes Riverside, dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hội An, dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng Vinpearl Đà Nẵng Luxury, dự án biệt thự sân golf và dự án biệt thự quảng trường tại Nha Trang.

Do sở hữu một lượng lớn dự án bất động sản “siêu sang” và ở những vị trí đắc địa nên cùng với đó, chi phí cho những dự án dở dang này của VIC cũng ở mức rất cao. Dưới đây là giá trị tồn kho của VIC trên bảng kế toán năm 2013.

Hàng tồn kho của VIC năm 2013. Đơn vị: Tỷ đồng

Á quân hàng tồn kho là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm.

Tính đến cuối năm 2013, tồn kho bất động sản của KBC có giá trị hơn 7.473 tỷ đồng, đến từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 9 dự án lớn.

Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 2 dự án Khu công nghiệp & khu đô thị Tràng Cát và Khu công nghiệp Tân Phú Trung lần lượt chiếm 41% và 35,5% giá trị hàng tồn kho của KBC.

So với thống kê đầu năm 2013, lượng tồn kho của KBC không những không giảm đi mà còn tăng lên 5,7%. Trong đó dự án KĐT Phúc Ninh tăng mạnh nhất (từ 115 tỷ lên 725 tỷ). So với quy mô vốn đầu tư 200 triệu USD, KBC mới đầu tư được 20% vốn.

Chi phí sản xuất kinh doanh của KBC trong 2013. Đơn vị: Tỷ đồng

Đại gia bất động sản phía nam - Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) nằm trong top 3 những doanh nghiệp bất động sản có con số hàng tồn kho cao.

Đến cuối 2013, giá trị tài sản tồn kho của PDR là 5.155 tỷ đồng.

So với lượng hàng tồn kho giai đoạn đầu năm 2013, thì số hàng tồn kho cuối năm ở Dự án The EverRich 2 từ gần 2.946 tỷ đồng lên trên 3.360 tỷ đồng. Hàng tồn kho dự án này chiếm đến 65% giá trị hàng tồn kho của PDR. Hiện quyền sử dụng đất của The EveRich 2 đã được PDR dùng để thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á.

Báo cáo kết quả kinh doanh 4 quý liên tiếp trong năm 2013 cho thấy, PDR không hề có doanh thu bất động sản, toàn bộ doanh thu trong năm (39,6 tỷ) đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ.

Giá trị hàng tồn kho PDR tính đến 31/12/2013. Đơn vị: Tỷ đồng

Sudico (SJS) là công ty bất động sản khác có mặt trong top 5 với tổng giá trị hạng tồn kho khoảng 4.513 tỷ đồng. Trong đó, dự án Nam An Khánh chiếm quá 50% (2.343 tỷ đồng), dự án Hòa Hải – Đà Nẵng khoảng 1.108 tỷ đồng chiếm khoảng 23%.

Hơn 1 năm qua, cổ phiếu SJS bị HOSE duy trì ở diện chứng khoán bị kiểm soát (chỉ giao dịch trong 15 phút cuối phiên) do bị lỗ liên tiếp trong 2 năm (2011 và 2012).

Năm 2013, công ty đạt lợi nhuận 71,4 tỷ đồng nhờ triển khai bán một phần diện tích đất kinh doanh tại dự án Nam An Khánh và thu hồi công nợ từ các khách hàng đã mua đất trong các năm trước. SJS cũng thực hiện thoái vốn và chuyển nhượng một phần tại các dự án hiệu quả thấp trong năm 2013.

Giá trị hàng tồn kho SJS tính đến 31/12/2013. Đơn vị: Tỷ đồng

Doanh nghiệp còn lại trong top 5 là Quốc Cường Gia Lai (QCG). Năm 2013 công ty ghi nhận hơn 3.955 tỷ đồng hàng tồn kho. Trong đó, bất động sản dở dang là 3.763 tỷ đồng, tương đương 95% tổng giá trị hàng tồn kho.

Dự án khu dân cư Phước Kiển (2.752 tỷ), chiếm 73% tổng giá trị bất động sản dở dang của QCG. Trong năm 2013, công ty đã tăng thêm hơn 700 tỷ đầu tư vào dự án này. Công ty cũng đã thế chấp toàn dự án này cho BIDV để vay 1.500 tỷ đồng và sẽ đáo hạn từ 30/6/2014 đến 30/6/2015.

Năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn của QCG, công ty đã phải bán một số hoặc từng phần các dự án để lấy nguồn giảm nợ vay (250 tỷ đồng). Lợi nhuận kinh doanh của công ty tiếp tục lỗ 39,6 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 6,6 tỷ nhờ khoản thu nhập khác.

Giá trị bất động sản dở dang của QCG trong 2013. Đơn vị: Tỷ đồng

Bảo Vy (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.