06/12/2011 1:17 AM
Theo hãng tư vấn Knight Frank, thị trường bất động sản ở một vài nền kinh tế lớn trên thế giới đang rất ảm đạm. Với nhiều quốc gia ở khu vực sử dụng đồng EUR, khả năng phục hồi trong năm 2011 không dễ xảy ra. Trong lịch sử nhiều cường quốc như Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng từng bị vỡ bong bóng bất động sản và hiện nay Trung Quốc cũng đang ngấp nghé ở bờ vực này. Trong bối cảnh đó, các đại gia bất động sản toàn cầu đang phải đối phó ra sao?

Kinh tế bùng nổ đã sản sinh ra tầng lớp người giàu mới ở Trung Quốc. Trong nhiều năm liền, các ông trùm xây dựng, bất động sản liên tiếp thống lĩnh những vị trí cao nhất của bảng xếp hạng người giàu.


Tuy nhiên, quả bong bóng bất động sản ngày càng phình to khiến Chính phủ Trung Quốc phải có những biện pháp kiềm chế, buộc giới kinh doanh bất động sản phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt hơn và việc duy trì tài sản trở thành thách thức lớn.


Đón đầu nhu cầu


Ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm chủ nhiệm nghiên cứu Hurun Report chuyên xếp hạng nhà giàu Trung Quốc, cho biết: “Sự bùng nổ xây dựng và tăng trưởng thị trường bán lẻ là các yếu tố chủ chốt gia tăng tài sản”.


Trong bảng xếp hạng Hurun đưa ra năm nay trong top 10 người giàu nhất Trung Quốc, có đến 4 người là trùm bất động sản, chiếm tỷ lệ 25%, còn nếu xét top 50, tỷ lệ làm giàu từ bất động sản lên tới 60%. Chau Chak Wing là một trong số đó.


Ông Chau sống chủ yếu ở Trung Quốc đại lục nhưng đăng ký địa chỉ tại Hồng Công và có quốc tịch Australia. Ông gầy dựng tài sản từ việc phát triển bất động sản ở Quảng Châu. Chiến lược Công ty Kingold Real Estate của ông Chau bám sát diễn biến thị trường bất động sản Trung Quốc trong 20 năm bùng nổ tăng trưởng kinh tế và thực hiện những dự án độc đáo đón đầu thị trường.


Năm 1989, giữa lúc thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ, Kingold đã đầu tư mở khách sạn/câu lạc bộ doanh nhân nước ngoài Quảng Đông, đột phá loại hình khách sạn mới chuyên cung cấp các dịch vụ hạng sang dành cho giới doanh nhân nước ngoài.


Năm 1995, giữa lúc thị trường bất động sản thoái trào, ông Chau đầu tư 1,6 tỷ nhân dân tệ (NDT) xây dựng khu dân cư rộng lớn ở Quảng Châu lấy tên Huiqiao New City với tổng diện tích sàn 1,2 triệu m2.


Khu dân cư này rất thành công và đã lập kỷ lục về doanh số bán và số lượng cư dân trong 3 năm liền 1996-1998. Năm 1999, Kingold gây sốc ngành bất động sản Trung Quốc khi lần đầu tiên chi hơn 10 triệu NDT để mời thầu quốc tế lên kế hoạch và thiết kế dự án Favorview Palace Estate trên diện tích đất hơn 1 triệu m2.


Kết quả là khu dân cư cao cấp này lập kỷ lục doanh số hàng năm 2 tỷ NDT, bán chạy nhất trong số các khu dân cư cao cấp ở Quảng Châu và là khu dân cư cao cấp duy nhất ở Quảng Châu có mặt trong danh sách top 10 khu dân cư hạng sang của Trung Quốc liên tiếp 3 năm 2004-2006.


Vẫn sinh sôi tài sản


Trong vòng 1 thập niên gần đây, kinh tế tăng trưởng nóng đã góp phần tạo ra thị trường màu mỡ cho giới kinh doanh bất động sản, sản sinh thêm nhiều tỷ phú. Những dự án đô thị mới mọc lên rất hoành tráng ở khắp các địa phương Trung Quốc, mang lại nguồn thu ngân sách chủ yếu cho các chính quyền địa phương từ việc bán quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, giá cả nhà đất tăng chóng mặt.


Theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ, tính đến đầu năm 2011, bình quân giá nhà ở Trung Quốc tăng 140% kể từ năm 2007, riêng Bắc Kinh tăng 788% kể từ năm 2003. Mua nhà trở thành mơ ước xa xỉ quá tầm tay của phần lớn người dân, các “thành phố ma” xuất hiện ngày càng nhiều.


Thị trường bất động sản phình lên như một quả bong bóng quá căng, chực vỡ. Chính quyền trung ương buộc phải ra tay bằng một loạt chính sách siết chặt, bao gồm thắt chặt chính sách tiền tệ, liêp tiếp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế dòng vốn đổ vào bất động sản; ra quy định mới tăng thuế bất động sản, hạn chế các hộ gia đình ở 35 thành phố lớn mua thêm căn hộ thứ hai… Thị trường bất động sản chựng lại.


Đến tháng 10-2011, mức giá nhà trung bình tại 70 thành phố Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống, một số chuyên gia dự báo giá nhà đất có thể giảm tới 30% trong vòng 2 năm tới. Thị trường bất động sản hạ nhiệt kéo theo các ngành liên quan như thép, xây dựng vào vòng ảm đạm.


Đại gia BĐS trong bĩ cực (kỳ 1): Ông trùm Trung Quốc
Soho China “xí chỗ” những lô đất vàng ở thành phố thương mại Thượng Hải.

Tuy nhiên, các ông trùm bất động sản vẫn xoay xở duy trì và sinh sôi tài sản. Họ chọn chiến lược đầu tư tập trung vào các dự án tại những thành phố đầu tàu kinh tế. Thí dụ Công ty Soho China của cặp đôi tỷ phú Zhang Xin và Pan Shiyi lựa chọn địa bàn đầu tư là Thượng Hải - thành phố được ví như thỏi nam châm thu hút các công ty tư vấn bất động sản, quản lý tài sản quốc tế tiếp cận tầng lớp nhà giàu mới của Trung Quốc.


Từ năm 2009 đến nay Soho China đã tung ra 4 dự án đầu tư bao trùm các khu vực then chốt của thành phố Thượng Hải. Các ông trùm bất động sản còn tiến tới liên minh với nhau. Đầu năm 2011, Soho tuyên bố chi 788 triệu NDT cho Tập đoàn Hua Li để mua thêm 31% cổ phần trong dự án văn phòng thương mại được lấy tên là FuxingLu Soho. Cổ phiếu 2 công ty này có mặt trên các TTCK lớn nhất Trung Quốc, Soho trên sàn Hồng Công và Hua Li trên sàn Thượng Hải.


Cùng với nhóm tài chính ngân hàng, cổ phiếu bất động sản cũng là “nhiệt kế” rất nhạy cảm với những biến động chính sách nhà nước Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với diễn biến chung trên sàn chứng khoán.

Theo Bảo Trúc (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.