10/10/2024 3:15 PM
Tập đoàn Ấn Độ Adani bày tỏ mong muốn đầu tư vào loạt dự án hạ tầng trọng điểm của Việt Nam, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai với diện tích hơn 2.000ha. Đây là một trong 3 sân bay có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đại gia Ấn Độ muốn rót vốn vào loạt dự án ở Việt Nam, trong đó có sân bay lớn thứ 3 cả nước- Ảnh 1.

Tập đoàn Ấn Độ muốn đầu tư vào sân bay Chu Lai

Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024 vào chiều 9/10, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam thông tin về đề án xã hội hoá sân bay Chu Lai, theo báo Công Thương.

Theo đó, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND Quảng Nam cho biết, Tập đoàn Adani và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Về việc đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, trước đây, Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh đã đồng ý chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có doanh nghiệp nào chính thức tìm hiểu đầu tư.

Ông Lê Văn Dũng cũng cho biết thêm, sân bay Chu Lai được đánh giá là một trong 3 sân bay lớn nhất cả nước hiện nay về không gian với diện tích hơn 2.000 ha, đều là “đất sạch” do nhà nước quản lý. Đây là thuận lợi rất lớn để đầu tư sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế, trung chuyển hàng hoá lớn nhất. Đây cũng là cơ hội rất lớn cho Quảng Nam nếu được đầu tư.

Được biết, sân bay Chu Lai với diện tích hiện nay là 2.300 ha, có nhiều thuận lợi để xây dựng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không mang tầm cỡ quốc tế. Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Chu Lai được quy hoạch, đầu tư để từng bước, đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Trước đó, tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani Ấn Độ.

Lãnh đạo Adani cho biết, tại Việt Nam, tập đoàn đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu với tổng vốn dự kiến đạt trên 2 tỷ USD với mong muốn tạo hệ sinh thái đầy đủ về logistics tại Đà Nẵng.

Adani cũng mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận, cụ thể là dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, Adani cũng đang có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Adani được thành lập bởi tỷ phú Gautam Adani vào những năm 1980. Ông Gautam Adani hiện là tỷ phú giàu thứ 16 thế giới với khối tài sản gần 84 tỷ đô la và là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và châu Á.

Adani là tập đoàn hàng đầu Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng. Doanh nghiệp sở hữu 14 cảng biển tư nhân lớn nhất, 7 sân bay và chiếm 25% năng lực cảng biển Ấn Độ.

Ngoài thâu tóm các cảng biển và sân bay trong nước, Adani vào năm 2021 cũng đã tham gia phát triển và điều hành một cảng biển tại Colombo Port (Sri Lanka). Đầu năm 2022, Adani tiếp tục mua 70% cổ phần tại cảng Haifa của Israel với trị giá lên đến 1,15 tỷ đô la. Bên cạnh đó, công ty của tỷ phú Gautam Adani cũng là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.